Bản tin sức khỏe

Hiện nay phụ nữ ngoài 40 gặp các biểu hiện mờ hồ như tăng cân, chậm chạp khiến họ lầm tưởng là mãn kinh, nên chị em không nhận biết được mình đang bị bệnh. 

Chị Nguyễn Thu 45 tuổi (Cầu Giấy – Hà Nội) đang là trưởng phòng hành chính nhân sự của 1 công ty thời trang. Chị cho biết mình tăng 8kg trong năm ngoái, chị cũng không hề ăn nhiều và cũng rất ít khi cảm thấy đói. Chị còn nhận định mình là người khá kỹ tính trong việc chọn lựa thực phẩm, đặc biệt chị rất kiêng các đồ ngọt như bánh, kẹo. Bên cạnh đó dạo này chị thấy da khô và luôn cảm thấy lạnh. 

“Ban đầu tôi cứ tưởng những thay đổi đó là do mình đang mãn kinh, nhưng về sau tình trạng này càng nặng thêm. Bên cạnh đó còn xuất hiện một số triệu chứng khác như căng thẳng, đau mỏi cơ, ù tai… Vì vậy tôi đã đi khám và được bác sĩ kết luận mắc bệnh suy giáp”, chị Thu chia sẻ

Suy giáp dễ nhầm lẫn với các biểu hiện của phụ nữ tuổi tiền mãn kinh

Suy Giap
Phụ nữ bị bệnh suy giáp có tỷ lệ cao hơn nam giới

Với vấn đề của chị Thu, Ths.Bs.Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện phụ sản TW cho biết, các triệu chứng kể trên rất giống với các vấn đề phụ nữ mãn kinh hay gặp, nên chị em dễ nhầm lẫn. Tuyến giáp sản xuất ra các hormon ảnh hưởng rất nhiều tới chuyển hóa và vận động của cơ thể. Vì vậy suy giáp là tình trạng sản xuất hormon của tuyến giáp bị kém và chậm lại, khi đó các hoạt động và chuyển hóa của cơ thể sẽ bị chậm lại.

Bác sĩ Thành cũng phân tích thêm, tỷ lệ mắc bệnh suy giáp tăng dần theo tuổi tác, đỉnh điểm là ở độ tuổi từ 35 đến 60. Theo một nghiên, cứu hàng triệu người Mỹ đang dùng thuốc điều trị tuyến giáp hàng năm nhưng các nhà khoa học ước tính vẫn còn hơn 9 triệu người khác mắc bệnh suy giáp mà không biết để điều trị. 

Vì sao nữ giới gặp bệnh lý tuyến giáp nhiều hơn nam giới?

Theo Bs Thành, nữ giới dễ bị các bệnh lý tuyến giáp hơn. Nguyên nhân chủ yếu do phải trải qua nhiều cột mốc biến động về nội tiết tố, khiến phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp gấp 3 lần so với đàn ông. Bởi sự cấu tạo trong cơ thể cũng như sinh lý của nữ giới là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch này. Tuyến yên là nhạc trưởng điều phối chung hoạt động của cả buồng trứng và tuyến giáp. Buồng trứng của người phụ nữ hoạt động theo chu kỳ kinh nguyệt từ đó các hormon tuyến yên cũng dao động và hoạt động theo chu kỳ. Từ đó việc sản xuất các các hormon sinh dục của buồng trứng và hormon tuyến giáp có ảnh hưởng qua lại với nhau.

Trong suốt cuộc đời của người phụ nữ, sự biến động về nội tiết tố nhiều hơn nam giới. Các giai đoạn đó bao gồm: 

  • Tuổi dậy thì: thay đổi nội tiết tố sinh dục trong giai đoạn dậy thì và trong chu kỳ kinh nguyệt có tác động qua lại và liên quan mật thiết với hormone tuyến giáp.
  • Phụ nữ thời kỳ mang thai, sinh con và cho con bú: nội tiết tố như estrogen và progesterone tăng cao. Rất nhiều bệnh tuyến giáp như basedow cường giáp và suy giáp thường nặng lên trong quá trình mang thai và  có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho thai kỳ. 
  • Phụ nữ thời kỳ mãn kinh: Các bệnh lý tuyến giáp có thể tiềm ẩn trong nhiều năm và bùng phát vào thời kỳ mãn kinh. Các yếu tố khác như tuổi tác, sự giảm nội tiết sinh dục nữ, chế độ ăn không hợp lý có thể gây bệnh lý tuyến giáp trên đối tượng này.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh suy giáp chủ yếu là do các bệnh viêm tuyến giáp tự miễn. Khi đó hệ thống miễn dịch của chính cơ thể bạn sản xuất ra các kháng thể tấn công nhầm vào tuyến giáp, gây phá hủy các tế bào tuyến giáp, làm tuyến giáp không còn đủ tế bào để sản xuất đủ hormone cho cơ thể. Trong đó bệnh viêm tuyến giáp tự miễn Hashimoto là phổ biến nhất

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác như: sử dụng thuốc tránh thai, uống thuốc an thần, kháng sinh, rối loạn lo âu, căng thẳng… khiến hormone thay đổi dẫn đến mắc bệnh.

Cách chẩn đoán bệnh tuyến giáp

ảnh Bs Phan Chí Thành
ThS. BS Phan Chí Thành (phải) – Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản TW).

Theo Bs Thành, bệnh tuyến giáp có thể được chẩn đoán bằng một xét nghiệm máu đo  để đo nồng độ hormone tuyến giáp T4 và T3, cũng như hormone kích thích tuyến giáp (TSH) do tuyến yên tiết ra. Suy giáp là khi T4 thấp và TSH có chỉ số cao, suy giáp cận lâm sàng là TSH cao và T4 ở mức bình thường. 

Bs Thành nhấn mạnh, phương pháp điều trị thông thường cho bệnh suy giáp là thuốc thay thế hormone tuyến giáp; phổ biến nhất là levothyroxine, có thể được bán dưới tên như Synthroid, Levoxyl và Unithroid. Nói chung, bệnh nhân sẽ bắt đầu với một liều nhỏ và xét nghiệm máu định kì cho đến khi TSH đạt mức bình thường. Điều này có thể mất hàng tháng, nhưng người bệnh sẽ dần dần cảm thấy tốt hơn rất nhiều và việc điều trị này sẽ được duy trì suốt cuộc đời.

“Chị em tuổi mãn kinh ngoài đi khám và trị liệu bổ sung nội tiết tố cũng cần đi khám các vấn đề về tuyến giáp khi có dấu hiệu nghi ngờ. Nếu cơ thể cảm thấy mệt mỏi, da khô và tăng cân bất thường (dù bạn vẫn ăn uống lành mạnh và tập thể dục điều độ), đặc biệt cảm thấy lạnh và rét run thì nên đi khám ngay. Những biểu hiện này là dấu hiệu của chứng suy giáp gây ảnh hưởng lớn đến cơ thể như béo phì, tăng cân và thoái hóa khớp…” Bs Thành khuyến cáo. 

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng