Dr4women Blog Mẹ Bầu

Trong những tuần cuối của thai kỳ, mẹ bầu nên theo dõi kỹ các thay đổi của cơ thể để phát hiện sớm dấu hiệu chuyển dạ và kịp thời đến cơ sở y tế để chuẩn bị sinh bé.

Tại sao khi chuyển dạ mẹ thường đau đớn?

Bác sĩ Phan Chí Thành – Bác sĩ nội trú chuyên ngành Sản Phụ khoa, hiện là Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo – Bệnh viện Phụ sản Trung ương – cho biết: “Đau khi chuyển dạ được gây ra bởi sự co thắt cơ tử cung và áp lực đè lên cổ tử cung. Cơn đau này có thể được cảm nhận như những cơn co thắt mạnh ở bụng, háng, và lưng, cũng như cảm giác đau nhức. Các nguyên nhân khác gây đau trong quá trình chuyển dạ bao gồm áp lực lên bàng quang và vùng tầng sinh môn do đầu của thai nhi, và do đường sinh dục cũng như âm đạo bị kéo căng.

Cơn đau chuyển dạ thường gây ám ảnh với sản phụ. Bởi nó được coi là cơn đau đớn nhất mà một người mẹ phải trải qua. Theo số liệu khoa học, cơ thể con người chịu đựng được tối đa 45 đơn vị đau (del unit). Nhưng khi phụ nữ đẻ thường, người mẹ phải chịu đựng tới 57 đơn vị đau, nó tương đương với việc bị gãy 20 cái xương cùng 1 lúc.

Cơn đau này rất khác nhau ở mỗi lần sinh nở khác nhau. Và mỗi mẹ bầu sẽ có những trải nghiệm khác nhau về cơn đau chuyển dạ. Với một số chị em, cơn đau khi chuyển dạ có thể giống như đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt. Nhưng với một vài chị em khác, cơn đau có thể tương đương với việc chịu một áp lực nặng nề, hoặc những cơn co thắt rất mạnh như đau bụng khi bị tiêu chảy.

Nik 5392

Các dấu hiệu chuyển dạ mẹ bầu cần nắm rõ

Bác sĩ Thành chỉ ra 4 dấu hiệu chuyển dạ sau đây giúp các mẹ phần nào khỏi bỡ ngỡ, nhất là các mẹ sinh con đầu lòng.

Thứ nhất, các cơn co thắt chuyển dạ (cơn gò tử cung)

Những cơn gò, cơn đau kéo đến dồn dập và thúc xuống liên tục là dấu hiệu rõ ràng nhất báo hiệu em bé sắp sinh. Lúc này các cơn đau kéo đến dồn dập mà không hề thuyên giảm khiến cho mẹ bầu khó chịu và bức bối.

Trong 10 phút phải có từ 2-3 cơn gò liên tục, dồn dập xuống, đó là cơn gò chính thức của cuộc chuyển dạ. Thật không dễ dàng khi mẹ bầu trải qua những cảm giác này.

Thứ 2, dịch nhầy cổ tử cung thay đổi

Dịch nhầy tích tụ ở cổ tử cung trong thời kỳ mang thai dần tạo thành nút nhầy cổ tử cung. Vào khoảng tuần 37 – 40 trong thai kỳ, mẹ bầu sẽ thấy âm đạo tiết ra nhiều dịch hơn, nhớt hơn.

Đây là hiện tượng bong nút nhầy cổ tử cung, khi nút nhầy có tác dụng bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm đã bong ra nhằm “dọn đường” cho bé yêu chào đời.

Dịch nhầy có thể có màu trong suốt, sậm màu hoặc màu hồng hoặc có một ít máu. Đây là dấu hiệu cho thấy trong một vài ngày tới, bé yêu sẽ chào đời.

Lưu ý, nếu dịch nhầy chứa nhiều máu (gần giống như khi có kinh), đây có thể là một dấu hiệu chuyển dạ nguy hiểm, mẹ bầu cần phải đến bệnh viện ngay.

Thứ 3, có biểu hiện vỡ ối

Hiện tượng vỡ ối xảy ra khi túi ối bị vỡ, khiến dịch ối chảy ra từ âm đạo của người mẹ. Đây là dấu hiệu sắp sinh đầu tiên xuất hiện ở 15-25% mẹ bầu. Dịch ối chảy ra có thể dưới dạng nhỏ giọt hoặc tràn ra ồ ạt. Một vài mẹ bầu thậm chí có cảm giác như thứ gì đó bị bóp vỡ khi họ vỡ ối.

Từ lúc vỡ ối đến lúc đẻ có thể mất nửa ngày, do đó các mẹ hết sức bình tĩnh, không lo hết nước ối mà nguy hiểm cho thai nhi.

Thứ 4, mức độ cử động, đạp của thai nhi

Bác sĩ Thành lưu ý, các mẹ bầu ở quý cuối thai kỳ phải theo dõi thai nhi đạp, cử động. Nếu thai nhi đạp ít, các mẹ phải đi khám ngay bởi có thể là dấu hiệu của suy thai mà các mẹ cần khám để phát hiện kịp thời.

“Đặc biệt, khi có một trong các dấu hiệu chuyển dạ trên, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện để được theo dõi cũng như sẵn sàng những ứng cứu nếu cần thiết”, bác sĩ Thành khuyến cáo.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng