Tiền mãn kinh - Mãn Kinh

Bước vào độ tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh, nhiều chị em gặp phải hiện tượng máu kinh nguyệt lúc nhiều, lúc lại ít. Đây có phải là dấu hiệu của một căn bệnh gì không?

 

Chị Thoa, 45 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) đang là chủ cửa hàng sách trên địa bàn. Chị đến phòng khám với một tâm lý lo lắng vì lượng máu khi hành kinh rất nhiều. Mặc dù kỳ kinh chỉ 4 ngày nhưng lượng máu ra rất lớn. Nhiều lúc đang làm việc chị thấy hoa mắt, chóng mặt và phải dừng công việc ngay. 

“Chồng khuyên tôi đi khám từ lâu, nhưng đến bây giờ mới thu xếp công việc để tới khám được. Tình trạng mất máu nhiều khiến tôi khó chịu và rất mệt mỏi. Nhiều khi đang sắp xếp sách tôi phải víu vào kệ vì choáng và sau đó phải nghỉ làm 2,3 hôm”, chị Thoa chia sẻ.

Trái lại với chị Thoa, chị Hồng 42 tuổi (Mỹ Đình, Hà Nội) lại có chu kỳ ra máu khá ít. Một chu kỳ ra máu của chị chỉ kéo dài 2 ngày, nhiều hơn nữa là 3 ngày. 

“Tôi thấy máu kinh của mình ra ít hơn hồi còn trẻ, nhưng không thấy đau hay mệt mỏi gì nên chưa đi khám”, chị Hồng nói. 

Theo Ths. Bs Phan Chí Thành Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo – Bệnh viện Phụ sản TW dù ra máu ít hay nhiều thì cũng rất có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe, nên chị em không được chủ quan.

Phân loại và nguyên nhân của ra máu kinh nguyệt bất thường 

ra máu kinh nguyệt
Bat-thuong-cua-ra-mau-kinh-nguyet

Nếu ra máu kinh nguyệt nhiều và kéo dài bất thường ở giai đoạn tiền mãn kinh thì có vấn đề gì không? Đây là câu hỏi mà rất nhiều phụ nữ quan tâm.

Ths. Bs Phan Chí Thành cho biết, 1 số thuật ngữ y học chúng ta nên để ý

Cường kinh: lượng  máu kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường 

Rong kinh:  nếu chu kỳ kinh kéo dài >7 ngày

Rong huyết: ra máu bất thường không theo chu kỳ như ra máu giữa chu kỳ kinh, hay ra máu sau giao hợp.

Nguyên nhân

Có khá nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng ra máu bất thường của chu kỳ kinh nguyệt. Các nguyên nhân đến từ các bệnh lý của tử cung như u xơ tử cung và polyp buồng tử cung, lạc nội mạc tử cung,  ung thư nội mạc tử cung… Một số nguyên nhân ngoài tử cung cũng có thể gây rong kinh rong huyết: rối loạn rụng trứng, rối loạn đông máu, dùng thuốc chống đông máu, thai ngoài tử cung, viêm phần phụ…

Ảnh hưởng

Theo 1 nghiên cứu tại Hoa Kỳ, khoảng 10 triệu phụ nữ ở Mỹ phải đối mặt với các rối loạn của chu kỳ kinh nguyệt, hơn 50% trong số đó thuộc độ tuổi từ 40 đến 50. Do đó rối loạn chu kỳ kinh nguyệt là hiện tượng khá hay gặp ở phụ nữ tuổi trung niên.

Ra máu nhiều ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người phụ nữ. Khoảng 40% phụ nữ cảm thấy sợ khi thấy máu ra nhiều mỗi chu kỳ kinh nguyệt, nhiều người cảm thấy rất mệt mỏi khi làm việc trong ngày hành kinh. Ra máu kinh nguyệt nhiều là 1 trong những nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu ở phụ nữ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bác sĩ
khi-nao-can-gap-bac-si

Theo Bs Thành, vấn đề ra máu kinh nguyệt bất thường có thể tiềm ẩn nhiều bệnh lý phức tạp, do đó nếu các bạn có các triệu ra máu bất thường như sau thì nên đi khám bác sĩ ngay: 

  • Ra máu rất nhiều, kéo dài hơn 7 ngày, ra nhiều cả máu cục, máu đông
  • Ra máu gián đoạn không theo chu kỳ kinh nguyệt: rong huyết
  • Ra máu kèm theo đau hoặc sốt
  • Tiểu ra máu hoặc thấy đau khi đi tiểu
  • Chậm kinh hoặc không thấy ra kinh
  • Ra máu trong hoặc sau khi quan hệ

Những câu hỏi bác sĩ sẽ hỏi bạn?

Trước khi đến khám với bác sĩ, các bạn hãy dành thời gian chuẩn bị cho 1 số câu hỏi các bác sĩ sẽ hỏi bạn:

  • Hãy mô tả tình trạng hành kinh ở các chu kỳ trước và thời điểm hiện tại? 
  • Chu kỳ kinh nguyệt của mình kéo dài trong bao lâu?
  • Dịch chảy ra màu gì? Có cục máu đông không?
  • Có đau khi chảy máu không?
  • Có bị ra máu nhỏ giọt hoặc không liên tục giữa các chu kỳ không?
  • Có đang sử dụng biện pháp tránh thai nào không?
  • Đang sử dụng thuốc gì?
  • Ra máu ảnh hưởng đến sinh hoạt của bạn như thế nào?

 

Cuối cùng Bác sỹ Thành nhấn mạnh: các bạn hãy lắng nghe cơ thể bằng cách theo dõi và ghi lại nhật ký chu kỳ kinh nguyệt của mình. Khi bạn thấy những thay đổi bất thường  như ra máu nhiều, máu cục, máu đông, thời gian hành kinh kéo dài, hãy liên hệ khám với bác sĩ phụ sản để loại trừ các bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt các bệnh lý ung thư phụ khoa hay gặp ở phụ nữ tuổi trung niên. 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng