Tiền mãn kinh - Mãn Kinh

Nhiều chị em bước vào tuổi mãn kinh, khi chơi thể dục thể thao dễ gặp phải chấn thương nhất là vùng vai. 

Chị Ngọc Hoa, 47 tuổi (Hoàng Mai – Hà Nội) đang kinh doanh tự do. Từ khi còn trẻ chị Hoa đã có đam mê chơi thể thao như cầu lông, chạy bộ và đạp xe. Hiện tại ở tuổi U40 chị vẫn duy trì những môn thể thao mình yêu thích. Những trận đánh cầu lông cùng bạn vì lực mạnh chị bị chấn thương ở vai. 

“Trước đây tôi cũng thường đánh lực mạnh như vậy, nhưng không có vấn đề gì. Tuy nhiên sau 40 tuổi khi tôi dùng lực một chút là cảm giác đâu rồi.  Hiện tại tôi cảm thấy khó cử động vai hơn, bác sĩ nói rằng vùng tổn thương đang trong tình trạng đông cứng và đờ ra. Liệu nó có liên quan đến độ tuổi mãn kinh của tôi không?”, chị Hoa thắc mắc. 

Vai trò của nội tiết tố lên quá trình lão hoá khớp

Estrogen
Vai trò của nội tiết tố lên quá trình lão hóa khớp

Với trường hợp của chị Hoa, Ths.Bs.Phan Chí Thành Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, khi chúng ta già đi, các khớp của chúng ta gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phục hồi khi gặp tổn thương — như ngã xe đạp chẳng hạn. 

Theo Bs Thành, estrogen là một thành phần quan trọng giúp điều hòa lượng chất lỏng trong cơ thể. Do đó, việc thiếu hụt estrogen khiến cơ thể phụ nữ kém giữ nước và gây ảnh hưởng đáng kể đến việc bôi trơn các mô khớp. Cho nên nếu như thiếu chất bôi trơn thì các mô khớp của chúng ta sẽ dễ bị viêm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, lớp bề mặt sụn khi mất nước có xu hướng dễ vỡ hơn so với sụn được cung cấp đủ nước.

Khi mất nước nồng độ axit uric trong cơ thể cơ nguy cơ tăng lên, đồng thời khiến khả năng đào thải lượng axit uric dư thừa của thận giảm xuống. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành bệnh gout và khiến phụ nữ tiền mãn kinh bị đau khớp thường xuyên hơn. 

“Không những thế, estrogen cũng góp phần điều hòa quá trình chuyển hóa glucose và lipid trong cơ thể. Nồng độ estrogen thấp khiến phụ nữ tiền mãn kinh dễ tăng cân. Theo các chuyên gia, việc tăng cân gây thêm nhiều áp lực lên các khớp chịu trọng lượng trên cơ thể, đặc biệt là khớp ở thắt lưng, hông và đầu gối, từ đó làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh cơ xương khớp ở những đối tượng này”, Bác sĩ Thành phân tích.

Viêm đông cứng khớp vai và cách điều trị

Bác sĩ cho biết thêm, “Viêm đông cứng khớp vai sau chấn thương”, một tên gọi phổ biến của bệnh viêm dính bao khớp, có nghĩa là khả năng vận động của vai của bệnh nhân bị hạn chế nghiêm trọng. Khi vai gặp một chấn thương sẽ gây đau mỗi khi vận động. Từ đó người bệnh thường có xu hướng hạn chế vận động vùng vai bị đau. Thời gian sau đó khớp vai sẽ bị viêm và hình thành các các dải mô kết dính bề mặt khớp vai lại với nhau. Cuối cùng, khớp trở nên căng và đông cứng, hạn chế vận động đến mức người bệnh khó có thể nâng cánh tay lên. Tình trạng cứng và đau thường trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm do phản ứng viêm tăng lên vào ban đêm. Những người bị bệnh tiểu đường, đột quỵ, bệnh phổi, viêm khớp dạng thấp, bệnh tim là những yếu tố làm tăng nguy cơ đông cứng khớp vai.

ảnh Ths. Bs Phan Chí Thành
ThS. BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản TW)

Bs Thành chỉ ra, quá trình này tiến triển theo ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là “đóng băng” thực sự, kéo dài khoảng ba tuần. Đây là thời điểm tốt nhất để điều trị. Chị em cảm thấy đau ngay cả khi đang nghỉ ngơi và hạn chế vận động vai. Trong giai đoạn thứ hai, thường chỉ bị đau khi di chuyển, nhưng đây không phải là dấu hiệu cải thiện; nó có nghĩa là một số cơ vùng vai của bạn đã bắt đầu bị teo. Giai đoạn “tan băng” là khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn, thường là sau khi vật lý trị liệu.

Điều trị thường bắt đầu bằng thuốc chống viêm, kèm với đó là các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng, chị em sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ bởi các chuyên gia vật lý trị liệu. Vật lý trị liệu có thể phá vỡ sự kết dính. Nếu vẫn không hiệu quả, bác sĩ có thể phải gây mê để phẫu thuật cắt bỏ các dải dính ở bề mặt khớp.. 

“Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh lý viêm khớp tăng cao. Điều này có nghĩa là nồng độ estrogen và mãn kinh có mối liên quan với nhau. Do đó các việc bổ sung nội tiết tố có thể giúp giảm tỷ lệ chấn thương cũng như thúc đẩy quá trình phục hồi của hệ thống xương khớp”, Bs Thành nhận định. 

Bên cạnh đó có rất nhiều biện pháp hiệu quả giúp cải thiện sức khỏe và dự phòng bệnh lý xương khớp, bao gồm:

  • Luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên.
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý
  • Tránh thực hiện các động tác lặp lại nhiều lần khiến khớp làm việc quá nhiều
  • Không hút thuốc lá
  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, cân bằng giữa các nhóm chất, bổ sung đủ các vi chất như vitamin.

“Ở độ tuổi tiền mãn kinh, chính sự sụt giảm nội tiết tố làm tăng tốc độ lão hoá của hệ thống xương khớp, từ đó chị em rất hay gặp các chấn thương trong quá trình tập luyện, cũng như quá trình hồi phục đòi hỏi mất rất nhiều thời gian. Do đó chị em tiền mãn kinh nên xin ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi bắt đầu tập luyện môn thể thao mới, cũng như, khi gặp chấn thương cần đi khám sớm và kịp thời để tránh tình trạng viêm dính gây tàn phế các khớp Bs Thành khuyên. 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng