Dr4women Blog Tiền mãn kinh - Mãn Kinh

Hầu hết phụ nữ sẽ nhận thấy nhiều thay đổi của cơ thể trong những năm tháng của tuổi mãn kinh. Những thay đổi này sẽ khác nhau ở từng người. Trong khi một số phụ nữ phải trải qua rất nhiều triệu chứng của thời kỳ mãn kinh (bao gồm bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm), những phụ nữ khác lại trải qua rất ít triệu chứng và nếu có thì cũng ngắt quãng.

Kinh nghiệm cá nhân về mãn kinh của mỗi người phụ nữ sẽ khác nhau. Và trong khi một số thay đổi bạn gặp phải ban đầu có thể khiến bạn ngạc nhiên hoặc không thoải mái, hãy nhớ rằng những gì bạn đang trải qua chỉ là một phần tự nhiên của cuộc sống – một điều mà bạn, giống như hàng triệu phụ nữ trước bạn đã từng vượt qua. Đừng lo lắng, bạn sẽ vượt qua được!

Nội dung

Thay đổi về nội tiết tố

Trong suốt cuộc đời của bạn, hormone – các chất hóa học ảnh hưởng đến các tế bào khác trong cơ thể – đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của bạn.
Khi còn nhỏ, lượng hormone nữ estrogen thấp sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và cơ bắp của bạn (chưa kể đến não bộ, tim và các mạch máu). Khi gần đến tuổi dậy thì, sự sản xuất estrogen tăng lên và là yếu tố quyết định thời điểm bắt đầu kỳ kinh đầu tiên của bạn.

Trong độ tuổi sinh sản của bạn, mức độ hormone dao động hàng tháng. Trên thực tế, chính sự lên xuống nhất quán này sẽ kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Ví dụ, vào đầu mỗi chu kỳ của tháng, mức độ estrogen và progesterone thấp, và dần tăng lên, làm dày niêm mạc tử cung của bạn để chuẩn bị cho trứng (noãn). Khoảng 14 ngày sau, nồng độ hormone tăng trở lại khi bạn rụng trứng – đó là khi trứng rời khỏi buồng trứng và đi xuống qua ống dẫn trứng đến tử cung. Nếu bạn không có thai vào thời điểm này (vì trứng không được tinh trùng thụ tinh), nồng độ hormone bắt đầu giảm và niêm mạc tử cung sẽ bong ra dẫn đến có kinh. Điều này xảy ra lặp đi lặp lại, tháng này qua tháng khác, trong suốt những năm trong độ tuổi sinh sản của người phụ nữ.

HormonTuy nhiên, khi bạn già đi và ở gần cuối những năm sinh sản – thường là vào khoảng giữa tuổi 40 – sự tăng và giảm nhất quán của các hormone bắt đầu thay đổi. Buồng trứng – nơi sản xuất estrogen và progesterone, sẽ nhỏ lại, tốc độ sản xuất hormone trở nên không đều và khó có thể đoán trước được.

Nội tiết tố nữ

Những thay đổi nội tiết tố này đánh dấu sự bắt đầu của thời kỳ tiền mãn kinh, có thể gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều và các triệu chứng khác. Một số triệu chứng phổ biến liên quan đến sự dao động của nồng độ estrogen như: bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, rong kinh, khô âm đạo, loãng xương, căng ngực và đau đầu.

Những người phụ nữ khác dường như cũng gặp những triệu chứng gián tiếp như: mất ngủ, ủ rũ, nhiễm trùng đường tiết niệu và âm đạo, cũng như các vấn đề về trí nhớ và đọc bằng lời nói. Một số liên quan đến sự sụt giảm estrogen hoặc mất cân bằng estrogen và testosterone như khô mắt, ham muốn tình dục thấp, tăng cân ở bụng, rụng tóc (hoặc mọc quá nhiều nhưng không đúng vị trí), nếp nhăn và giảm thính lực. Những dao động và thay đổi này có thể kéo dài vài năm trước khi bạn trải qua chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng.

Sau cùng, việc sản xuất các hormone sinh sản chậm lại đến một mức độ – đồng thời với số lượng trứng được lưu trữ trong buồng trứng giảm đến một mức độ mà kỳ kinh nguyệt hoàn toàn ngừng lại. Khi điều này xảy ra và bạn không có kinh trong ít nhất 12 tháng, thì tức là bạn đã đến tuổi mãn kinh.

Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt

Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt

Đối với nhiều phụ nữ, một trong những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu tiền mãn kinh là sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của họ. Điều này chủ yếu là do những thay đổi tự nhiên trong quá trình rụng trứng (bao gồm thay đổi tần suất rụng trứng) và nồng độ hormone (bao gồm estradiol, estrogen do chính buồng trứng sản xuất). Cho dù chu kỳ kinh nguyệt của bạn có đều đặn và thường xuyên (hoặc không đều và không thường xuyên) như thế nào trong quá khứ, thì những thay đổi này hoàn toàn có thể làm gián đoạn, đảo lộn chu kỳ kinh nguyệt của bạn.

Đối với một số người, những thay đổi xảy đến rất nhỏ và khó nhận thấy. Với những người khác, những thay đổi lại rõ ràng và làm xáo trộn mọi thứ. Kinh nguyệt của bạn có thể đến thường xuyên hơn hoặc ít hơn, có thể kéo dài nhiều ngày hoặc ít ngày hơn, cũng có thể nhẹ hơn (chỉ gây ra những vệt đốm), hoặc nặng hơn (có thể băng kinh gây chảy máu ra đệm hoặc thậm chí quần áo của bạn).

Một trong những sự thật khó chịu nhất đối với nhiều phụ nữ là tất cả những điều trên đều có thể xảy ra. Một tháng, kinh nguyệt của bạn có thể đến muộn một tuần và nhẹ hơn bình thường. Sau đó, ngay khi bạn chuẩn bị ăn mừng cho sự phát triển mới này, kỳ kinh tiếp theo của bạn đến sớm một tuần và nặng nề đến mức bạn tự hỏi liệu mình có nên mua băng vệ sinh dự trữ hay không! Với một số phụ nữ, những thay đổi này chỉ là một phiền toái nhỏ. Nhưng với những người khác, ra máu nhiều hoặc kéo dài có thể ảnh hưởng tới đời sống xã hội, đời sống tình dục hoặc gây gia tăng căng thẳng của họ. Chu kỳ kinh nguyệt với nhiều bất thường cũng có thể gây ra tình trạng mệt mỏi, đau đầu hoặc thiếu máu.

Nhưng, xin hãy yên tâm rằng bạn không hề đơn độc đâu! Có rất nhiều người phụ nữ cũng rơi vào hoàn cảnh như bạn và bạn hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn này một cách bình yên. Gần như tất cả phụ nữ (khoảng 90%) trải qua thời kỳ mãn kinh tự nhiên sẽ trải qua những thay đổi đối với chu kỳ kinh nguyệt của họ. Và, may mắn là, những thay đổi này rất có thể sẽ kết thúc trong khoảng thời gian từ bốn đến tám năm.

Thay đổi khả năng sinh sản

Thay đổi khả năng sinh sản

Khả năng sinh sản của bạn, tức khả năng để mang thai một đứa trẻ, đạt đến đỉnh điểm trong những năm tháng tuổi 20 và giảm dần theo tuổi tác. Sự suy giảm này thường bắt đầu sau tuổi 35 và tiếp tục giảm trong thời kỳ mãn kinh.

Một khi bạn bắt đầu bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, việc mang thai sẽ khó hơn nhưng vẫn có thể xảy ra. Trên thực tế, ngay cả khi bạn chậm kinh trong vài tháng, bạn vẫn có thể có thai. Chỉ khi nào mãn kinh rồi bạn mới không thể thụ thai tự nhiên được nữa. Với một số phụ nữ, đạt đến giai đoạn này trong cuộc đời là một sự điều chỉnh tự nhiên của tạo hóa và họ cảm thấy như một sự mất mát. Ngay cả khi họ không có kế hoạch sinh thêm con, họ có thể đau buồn về việc mất đi khả năng sinh sản của mình. Đối với những người khác, mất khả năng sinh sản là một điều gì đó thật nhẹ nhõm – thời điểm để thư giãn và tận hưởng quan hệ tình dục không đồ bảo hộ lần đầu tiên sau nhiều năm.

Nhưng hãy lưu ý về việc không bỏ những biện pháp tránh thai quá sớm. Hãy ghi nhớ rằng: Phụ nữ có thể (và đã có trường hợp) mang thai trong những năm tháng ngay trước mãn kinh. Trên thực tế, sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt thường gặp trong thời kỳ tiền mãn kinh có thể gây ra hiện tượng rụng trứng không thể đoán trước, khiến bạn khó biết khi nào bạn có khả năng mang thai cao nhất và khiến bạn có nguy cơ vô tình mang thai. Tất nhiên, sự không thể đoán trước này cũng có thể gây khó chịu cho những phụ nữ đang cố gắng mang thai khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh.

Nếu bạn thuộc nhóm này và đang gặp phải các vấn đề hiếm muộn do tuổi tác thì hãy yên tâm: vẫn còn hy vọng! Các can thiệp y tế – chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) – có thể làm tăng khả năng mang thai của bạn. Nếu những biện pháp can thiệp này không thể thực hiện được hoặc không được khuyến nghị dành cho bạn thì các lựa chọn khác như xin trứng, mang thai hộ hoặc nhận con nuôi có thể giúp xây dựng một mái ấm dành cho bạn.

Những thay đổi có thể dự đoán trước

Có rất nhiều thay đổi xảy ra với phụ nữ khi họ bước vào tuổi trung niên. Một vài trong số chúng là tích cực. Ví dụ, nhiều phụ nữ ở độ tuổi 40 và 50 cảm thấy bản thân tự tin và quyết đoán hơn bao giờ hết. Mặt khác, một số thay đổi khác về thể chất cũng như tinh thần lại đem đến khá nhiều tiêu cực.

Hãy thừa nhận rằng: Nếu bạn sắp mãn kinh, bạn hẳn đã được nghe nhiều những câu chuyện tâm sự xung quanh. Bạn đã được kể về những cơn bốc hỏa và tăng cân, về sự thay đổi tâm trạng và thay đổi ham muốn tình dục. Bạn có thể lo lắng về những gì sẽ xảy ra khi bạn bước vào thời kỳ mãn kinh – bởi theo những câu chuyện từ bạn bè thì đó chẳng phải điều gì đáng để ăn mừng cho lắm.

Mất ngủ

Sự thật là, tất cả phụ nữ đều trải qua thời kỳ mãn kinh theo cách khác biệt. Về mặt thể chất, một số phụ nữ có thể chỉ nhận thấy một vài thay đổi nhỏ, có thể là một số cơn đau ở ngực, hoặc thỉnh thoảng vài cơn bốc hỏa trong những năm trước khi mãn kinh. Những người khác có thể cảm thấy như thể thế giới của họ bị đảo lộn hoàn toàn khi họ phải trải qua những cơn đổ mồ hôi ban đêm, kinh nguyệt thất thường và tâm trạng không thể đoán trước được.

Bạn có thể tìm kiếm thông tin chi tiết về những thay đổi mà bạn có thể gặp phải trong quá trình chuyển đổi thời kỳ mãn kinh ở các chương sách tiếp theo. Dưới đây là một vài ví dụ xem trước:

  • Cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm
  • Vấn đề về giấc ngủ
  • Tăng cân
  • Thay đổi tâm trạng
  • Những cơn đau ở ngực
  • Vấn đề về âm đạo
  • Vấn đề tiết niệu
  • Cơn đau đầu
  • Những khó khăn về nhận thức và ghi nhớ
  • Đau khớp
  • Thay đổi về tóc, da và mắt
  • Thay đổi thính giác
  • Vấn đề về về răng miệng
  • Vấn đề về loãng xương thời kỳ mãn kinh
  • Vấn đề về tim mạch

Lời kết

Danh sách những thay đổi liên quan đến thời kỳ mãn kinh có thể khiến bạn thấy hết sức chán nản và lo lắng. Không thể phủ nhận rằng một số thay đổi đối với cơ thể bạn cũng như với các cơ quan và hệ thống của nó, có thể xảy đến như một thách thức lớn. Tuy nhiên, hãy yên tâm rằng những thay đổi trên sẽ không khiến bạn mất hết hy vọng về cuộc sống phía trước.

Bs Phan Chí Thành: Chánh VP TT Đào tạo BV Phụ sản TƯ

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng