Bản tin sức khỏe Dr4women Blog Y học giới tính

Mối quan hệ giữa người với người có thể được hình thành một cách dễ dàng, song để khiến mối quan hệ đó trở nên sâu sắc thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Vì sao chúng ta dễ trở nên thân thiết với những người ở gần mình hơn? Cùng nghe ThS. BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản TW) chia sẻ về vấn đề này.

“Con người liên tục tiếp xúc với nhau – chúng ta cùng ngồi chung trên ghế giảng đường đại học, tình cờ gặp người lạ ở quán cà phê, chuyển đến sống gần nhau ở những con ngõ vùng ngoại ô, hoặc ngồi chéo nhau hàng giờ liền ở những góc nhỏ trong văn phòng. Và chúng ta thường không ngờ rằng việc chạm mặt thế này có thể làm lóe lên những “tia lửa”” – BS Phan Chí Thành cho biết.

Từ rất lâu trước đây, các nhà khoa học đã quan tâm đến sự tương quan giữa khoảng cách và cách xây dựng liên kết giữa người với người. Cụ thể là vào những năm 1930, một nghiên cứu đã điều tra nơi ở trước khi kết hôn của 5000 cặp đôi trong một năm. Nếu bạn nghĩ rằng duyên trời định đã mang họ đến với nhau thì kết quả sẽ khiến nhiều người bất ngờ. 1/3 trong số những người này sống gần nhau trong vòng bán kính năm tòa nhà, và hơn 1/2 sống trong vòng bán kính 20 tòa nhà.

Bs Phan Chi Thanh
ThS. BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản TW).

Như thế, khoa học lại một lần nữa cho thấy rằng “khoảng cách” có thể là một trong các yếu tố làm tăng khả năng nên duyên của các cặp đôi.

Theo BS Thành, đó là câu chuyện của hơn 90 năm về trước. Hiện nay, khoảng cách gần gũi còn có thể hiểu theo nhiều hình thức khác nhau. Chúng ta có thể gặp nhau hằng ngày qua internet, trao đổi thư từ hay đôi dòng tin nhắn. Và mật độ tiếp xúc càng thường xuyên thì “khoảng cách” càng được rút ngắn.

“Điều này không chỉ đúng với những đôi lứa yêu nhau. Ngay cả các mối quan hệ thông thường trong xã hội, sự gần gũi cũng đóng một vai trò quan trọng” – BS Phan Chí Thành nhấn mạnh. Trong một lớp học, sự tương tác sẽ phát triển tùy theo khoảng cách của các vị trí ngồi.

Học sinh ngồi ở ghế giữa thường có nhiều cơ hội làm quen với mọi người hơn. Nếu chỗ ngồi được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái, những người có chữ cái gần nhau sẽ kết thân với nhau. Chúng ta có thể nhìn xa hơn phạm vi lớp học.

Sự Gần Gũi
Sự gần gũi là khởi đầu cho những mối quan hệ, không chỉ có tình yêu.

Cuộc sống hiện đại giúp tối ưu hóa khả năng tiếp xúc và trao đổi của con người. Không cần đến một địa điểm trực tiếp, có khi chỉ cần cách nhau một màn hình vi tính, 2 người làm việc chung lâu dài, hay nhắn tin đều đặn trên mạng xã hội mỗi ngày thì đều có thể tăng cường sự hấp dẫn. Không nhất thiết là tình yêu, việc gần gũi làm con người bị thu hút và thân thiết với nhau hơn. Vì thế, khi bạn tìm thấy người có sự đồng điệu và tạo ra mối gắn kết, có lẽ sự gần gũi đã phần nào thúc đẩy điều đó.

Sự Gần Gũi Về Tâm Hồn
Dù không trực tiếp gặp mặt nhưng chúng ta vẫn có thể bị hấp dẫn từ đối phương.

Khoa học đã thể hiện sự gần gũi trong tiếp xúc giữa người với người có thể tạo ra “lực hấp dẫn” vô hình. Tất nhiên, điều chúng ta đề cập chỉ mới là mức độ gần gũi “bên ngoài” như: vị trí địa lý, khoảng cách, khu vực… Ngoài ra, sự tiếp xúc bằng những va chạm và cảm nhận từ các giác quan như xúc giác cũng sẽ khiến sợi dây gắn kết trở nên bền chặt.

Như vậy, chúng ta cần nhìn nhận rằng sự hấp dẫn có thể bắt đầu từ những điều tưởng chừng đơn giản nhất, chẳng hạn như qua các tiếp xúc gần gũi. Và những lần gặp gỡ đôi khi sẽ mang đến cho ta những kết quả bất ngờ.

Bác sỹ Phan Chí Thành, Chánh Văn Phòng TT Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng