Dr4women Blog Mẹ Bầu

Nhiều chị em cho rằng, chịu đau trong lúc khâu tầng sinh môn sau sinh mà không dùng thuốc tế sẽ tốt nhất cho sức khỏe của mẹ. Tuy nhiên, chuyên gia đưa ra nhiều cảnh báo.

Chị Trần Thu Hà (24 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, chị mang thai lần đầu tiên và thai kỳ bước sang tháng thứ 7.

“Em thăm khám thai kỳ thường xuyên, trộm vía mẹ khỏe con khỏe. Bác sĩ nói nếu không có gì thay đổi em sẽ sinh thường, không phải sinh mổ.

Em có tìm hiểu thì được biết, khi đẻ bằng phương pháp sinh thường, sản phụ sẽ bị rạch tầng sinh môn. Vậy khi sinh xong, khâu tầng sinh môn dùng thuốc tê hay khâu sống thì tốt cho sức khỏe nhất ạ, em rất sợ đau”, mẹ bầu 7 tháng lo lắng ra mặt.

Trao đổi về vấn đề này, ThS. BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Trung ương cho biết, nỗi lo lắng của chị Hà cũng là tâm trạng, băn khoăn của rất nhiều sản phụ hiện nay.

Phan Chi Thanh

ThS. BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Trung ương

Rạch, cắt tầng sinh môn khi đi sinh là gì?

Rạch cắt tầng sinh môn là một trong những phương pháp cắt da vùng âm đạo xuống phía dưới vùng cạnh hậu môn (đáy chậu) giúp tạo ra một khoảng rộng cho em bé có thể chui ra một cách dễ dàng hơn khi sinh thường.

Trước đây, phương pháp cắt khâu tầng sinh môn thường được áp dụng cho tất cả các sản phụ nhằm giúp quá trình chuyển dạ, sinh nở diễn ra một cách nhanh hơn và hạn chế các tổn thương rách âm đạo phức tạp do rặn đẻ sổ thai của người mẹ. Tuy nhiên ngày nay việc cắt tầng sinh môn sớm và thường quy không còn được khuyến cáo sử dụng trong tất cả các trường hợp sinh thường. Chỉ những trường hợp sinh khó, như thai to đẻ thủ thuật các bác sỹ mới chủ động cắt tầng sinh môn. 

Khâu tầng sinh môn nên dùng thuốc tê hay “khâu sống”?

Thực tế, việc bị cắt và khâu tầng sinh môn là một nỗi khiếp sợ với không ít chị em đã từng trải qua. Nhiều người còn nhận xét là “khâu mũi nào biết mũi đó”. Chính vì sự đau đớn như vậy nên không ít sản phụ mong muốn được tiêm thuốc tê để giảm cơn đau. Nhưng cũng không ít mẹ bầu cũng như gia đình lại truyền tai nhau cho rằng, nên “khâu sống” tầng sinh môn sẽ tốt cho sức khỏe hơn dù phải chịu đau đớn 1 chút.

20190926 163718 175402 Rach Tang Sinh Mon .max 1800x1800

Rạch tầng sinh môn là thủ thuật hỗ trợ sản phụ sinh thường nhanh và dễ dàng hơn

Vậy nên “khâu sống” hay tiêm thuốc tê khi khâu tầng sinh môn?

Trao đổi về vấn đề này, ThS. BS Phan Chí Thành khẳng định trong cả hành trình chuyển dạ đẻ cũng như khi khâu tầng sinh môn sau sinh, sản phụ cần được các bác sĩ tư vấn giảm đau.

“Khi sản phụ được giảm đau tối đa thì cơ thể mới có thể thả lỏng mềm mại, không co cứng, thuận lợi trong suốt quá trình chuyển dạ rặn đẻ cũng như khâu may tầng sinh môn sau sinh”, bác sĩ Thành cho hay.

Vị bác sĩ cũng cho biết, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương trung bình mỗi năm thực hiện 20.000-30.000 ca sinh thường. Việc giảm đau cho sản phụ khi khâu tầng sinh môn có thể được thực hiện theo 2 cách: Tiêm tê tại chỗ cắt khâu tầng sinh môn hoặc gây tê ngoài màng cứng.

Trong đó, 70-80% các sản phụ dùng biện pháp gây mê ngoài màng cứng để giúp giảm đau cả trong cả quá trình đẻ cũng như lúc khâu tầng sinh môn sau đẻ.

Z3736795026156 27325e4b9c0114174d9c145d20f3a5f8 (1)

Ca đẻ thường “mẹ tròn con vuông” được bác sĩ Thành thực hiện

Khi thực hiện, sản phụ được giảm đau gây tê ngoài màng cứng, cả hệ thống ống đẻ cũng như tầng sinh môn của sản phụ mềm mại thả lỏng nên tầng sinh môn giãn nở tốt hơn do đó sản phụ dễ rặn đẻ hơn cũng như tầng sinh môn ít bị rách sâu rộng hơn.

Tại bệnh viện, ngay sau sinh, nếu sản phụ được giảm đau gây tê ngoài màng cứng tốt, sản phụ có thể vừa khâu tầng sinh môn vừa ôm con thực hiện phương pháp da kề da vừa tỉnh táo cho con bú mà không cảm thấy đau đớn khi thực hiện khâu tầng sinh môn.

Ngược lại, nếu thực hiện khâu tầng sinh môn sống, không được tiêm thuốc tê giảm đau, sản phụ sẽ đau đớn, co cứng toàn bộ cơ tầng sinh môn, gây rất nhiều khó khăn cho bác sĩ trong lúc khâu phục hồi tầng sinh môn. Thậm chí đã có trường hợp sản phụ gồng cứng người khiến kim khâu bị gãy trong quá trình khâu tầng sinh môn. 

“Do đó, việc “khâu sống” tầng sinh môn thực sự sẽ để lại rất nhiều ám ảnh và tổn hại sức khỏe, tâm sinh lý cho mẹ bầu”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.

Chăm sóc và phục hồi vết khâu tầng sinh môn sau sinh như thế nào?

Để vết khâu mau lành và không bị biến chứng, bác sĩ Thành nhắn nhủ chị em cần lưu ý một số điều sau:

– Vệ sinh tầng sinh môn: Sản phụ nên mua thuốc Betadine rửa tầng sinh môn. Chị em thực hiện nhẹ nhàng trước ra sau tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập lên âm đạo.

– Chống táo bón: Nhiều sản phụ sau khi đẻ xong sợ đau không dám đi vệ sinh nặng dẫn tới bục vết khâu tầng sinh môn. Do đó, sản phụ cần chú ý đến chế độ ăn uống, phải ăn nhiều rau và uống thuốc chống táo bón.

“Nếu vết khâu tầng sinh môn có các dấu hiệu như viêm nhiễm chảy mủ, toác không lành, chị em cần đến thăm khám bác sĩ ngay”, bác sĩ Thành khuyến cáo.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng