Bản tin sức khỏe

 

Xung đột có thể là xúc tác để cặp đôi càng thêm gắn bó thân mật, cũng có thể là mồi lửa khiến mối quan hệ đi vào bế tắc. Những người yêu nhau nên nắm được kỹ năng giải quyết xung đột để “tránh hại, tìm lợi” từ những lần xung đột đó. 

———————-

Cãi vã, xung đột khi yêu đương là điều không thể tránh khỏi. Bs Phan Chí Thành (Chánh văn phòng đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương) chia sẻ quan điểm như sau: “Hai người trong mối quan hệ thường xuyên có xung đột từ những việc nhỏ đến lớn. Mức độ ổn định và lành mạnh của việc yêu nhau không được tính bằng số lần xung đột mà phải được tính bằng cách người trong cuộc giải quyết có tốt, có triệt để hay không.” 

Một mối quan  hệ có xung đột là một mối quan  hệ có sự chuyển biến và phát triển. Vì vậy, bạn không nên mơ tưởng che lấp xung đột bằng các phương pháp sau: 

  • Cố gắng trở nên giống nhau: Điều này là không khả thi vì đôi lúc chính chúng ta cũng mâu thuẫn với bản thân. Và chắc chắn là bạn không muốn yêu một cá thể luôn luôn giống hệt mình. 
  • Lờ đi các xung đột và tiếp tục mối quan hệ: Nếu bạn lờ đi thì cãi vã có thể dừng lại trong phút chốc nhưng mâu thuẫn vẫn còn tồn tại. Việc không giải quyết triệt để mâu thuẫn nhỏ như việc để đồ đúng nơi quy định, bóp kem đánh răng từ giữa hay từ cuối… có thể tích tụ lại và ép hai người đi đến kết thúc việc yêu đương. 
  • Không phát triển và thay đổi bản thân. Hãy có trách nhiệm với lời bạn nói, nếu bạn hứa sẽ thay đổi thì hãy thay đổi một cách đúng nghĩa. 

 

Sáu bước giúp bạn bình tĩnh đối mặt và giải quyết xung đột: 

  • Điều 1: Dành một vài phút hít thở sâu 

Khi bị tổn thương vì ai đó, chúng ta thường có phản ứng dữ dội lại với họ, giống như bắn mũi tên cảm xúc và làm tổn thương ngược  lại đối phương. Đôi khi xuất hiện những phản ứng thái quá vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta như công kích cá nhân hay sử dụng bạo lực. 

Những lời nói hành động của bạn trong lúc nổi giận có thể khiến bạn hả giận đôi chút nhưng lại làm tan vỡ trái tim đối phương. 

Đấy thực sự không phải cách hay. Khi cãi vã và nóng giận, hãy xin một ít thời gian để hít thở sâu một vài hơi, tự nhắc nhở mình về bản thân, về tình yêu, về mối quan  hệ, làm dịu sự bực tức để có đủ sự tỉnh táo để suy nghĩ và có hành vi và lời nói đúng mực. 

 

  • Điều 2: Nói chuyện với chính mình 

 

Xung đột thường xảy ra ngay lập tức và ép chúng ta phải có phản ứng đối mặt. Lúc này, bạn nên dành vài phút để kiểm tra cảm xúc cũng như suy nghĩ của mình: mình muốn gì? Mình đang tức giận điều gì? Mình có muốn xúc phạm đối phương hay không? Mình có muốn kết thúc mối quan hệ hay không? 

 

  • Điều 3: Nói lên suy nghĩ của bản thân thay vì chỉ trích người đối diện 

 

Hãy nói: “Em đang nói và em muốn anh lắng nghe em.” thay vì nói: “Sao anh cứ thích nhảy vào miệng người khác lúc đang nói thế?” 

Thay vì nói: “Anh có phải đang có gian tình gì với cô ta không?” thì hãy nói: “Em thực sự thấy ghen và khó chịu vì hành động của anh và cô ấy, và em cần lời giải thích.” 

Đôi khi xung đột chỉ đơn giản là một người không nhận ra tác động hành vi của họ với người khác. Dừng chất vấn, dừng chỉ trích, hãy nêu ra cảm xúc của bạn, nêu ra lý do tại sao bạn cảm thấy tổn thương. 

Một câu nói: “Tôi cảm thấy…” là có thể giải quyết phần lớn vấn đề. 

 

  • Điều 4: Lựa chọn thời gian và địa điểm hợp lý 

 

Mâu thuẫn càng lớn thì bạn càng cần nghiêm túc giải quyết. Việc cố gắng hoà giải qua tin  nhắn hay cãi vã ở nơi công cộng, hay khi người kia đang bận rộn hoặc mệt mỏi đều không phải ý kiến hay. 

Vì vậy, hãy chọn thời gian và không gian phù hợp. 

Vấn đề của ai thì nên giải quyết riêng tư với người đó, nếu không thể gặp mặt trực tiếp (vì đang yêu xa) thì cũng nên gọi video. 

Nếu cãi vã gay gắt tới mức không thể ngồi xuống nói chuyện thì hãy nhờ người trung gian truyền đạt. Hãy nhớ là truyền đạt hoà giải chứ không phải kể xấu nhau. 

 

  • Điều 5: Kiên nhẫn 

 

Nếu cả hai người đều đang cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề và hòa nhã với nhau, xung đột nhỏ thường có thể được giải quyết trong một cuộc nói chuyện, thậm chí đôi khi chỉ trong vòng vài phút.

Khi một cuộc xung đột lớn, phức tạp hoặc cần nhiều thương lượng hơn hay khi ai đó liên quan thực sự gặp khó khăn trong việc bình tĩnh, việc giải quyết thường là một quá trình liên tục, với một loạt các cuộc đàm phán và thỏa thuận, không còn đơn giản là một cuộc trò chuyện, một cái ôm vỗ về “chúng mình làm hòa nhé.” 

Nếu ngay cả khi có nhiều thời gian, việc giải quyết vẫn dường như bất khả thi, thì hãy cân nhắc gọi tiếp viện (như người mà cả hai tin tưởng để giúp hòa giải) hoặc có một kiểu nói chuyện khác.

 

  • Điều 6: Có trách nhiệm 

 

Cần chịu trách nhiệm rõ ràng và nghiêm túc về những gì chúng ta đã làm. Thực hiện được điều đó đã giúp mối quan hệ vượt qua phân nửa mâu thuẫn. 

Nhiều khi việc quá quan tâm đến quá khứ của người kia cũng khiến chúng ta buồn bã, cáu kỉnh, ghen tị và gây ra những mâu thuẫn không đáng có. Tuy nhiên, dù lý do là gì, hãy cho cả 2 khoảng không gian riêng để nhìn nhận lại bản thân. 

Nhiều khi một người giận hờn chỉ cảm thấy không được đủ tôn trọng, yêu thương, lắng nghe,… như những gì họ mong đợi. Khi ấy, một cuộc nói chuyện và hạ thấp cái tôi, nhận trách nhiệm là rất cần thiết để hòa giải, chứ không phải tiếp tục hờn dỗi và đổ lỗi cho nhau.

 

Giải quyết xung đột cũng mang lại sự trưởng thành cho mỗi cá nhân: dạy chúng ta kĩ năng giải quyết vấn đề, nhìn ra điểm tốt và chưa tốt của cả hai, hiểu rõ hơn đối phương cũng như bản thân mình. Đó là thứ có thể mang lại cho chúng ta cảm giác thực sự kiểm soát và làm chủ được cuộc sống và cảm xúc của chính mình, nhất là khi bạn mới chỉ là thanh niên còn đang dễ mất kiểm soát, vụng về và lạc lõng.

 

———————————-

 

Dr4women

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng