Bản tin sức khỏe

Acid folic là gì?
Acid folic (folate) là một loại vitamin nhóm B, còn được gọi là vitamin B9. Trong thai kỳ, acid folic đảm nhận vai trò trong sự hình thành và phát triển của hệ thần kinh thai nhi, bao gồm não bộ và tủy sống.
Việc thiếu hụt acid folic quá nhiều ở phụ nữ mang thai khiến thai nhi có nguy cơ bị khiếm khuyết ống tủy sống, dị tật nứt đốt sống, vô sọ. Những dị tật bẩm sinh này có thể xuất hiện trong khoảng thời gian 3 – 4 tuần đầu của thai kỳ. Do vậy, việc bổ sung acid folic trong giai đoạn sớm, khi não và tủy sống đang phát triển là vô cùng cần thiết.

Nên bổ sung như thế nào?
Dù được đánh giá là loại vitamin “thần thánh” của mẹ bầu nhưng nếu dùng quá liều vẫn sẽ để lại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và bé.
Theo NHS – UK (Dịch vụ Y tế Quốc gia Chính phủ Anh), mẹ bầu nên uống một viên 400µg acid folic mỗi ngày từ 3 tháng trước khi dự định mang thai cho đến tuần thứ 12 của thai kì.
Thời điểm thích hợp nhất để uống viên folate là khoảng cách nghỉ giữa hai bữa ăn. Tuyệt đối không uống chung folate cùng trà, cà phê bởi nó sẽ làm giảm khả năng hấp thụ của viên bổ sung.
Tác dụng phụ khi uống acid folic có thể là táo bón. Do đó, mẹ bầu nên chịu khó ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, trái cây, rau củ và uống nhiều nước để tránh khó chịu trong thai kì.
Bên cạnh nguồn uống bổ sung, khẩu phần ăn hằng ngày cũng đóng góp một phần không nhỏ lượng acid folic. Các mẹ có thể tham khảo một số thực phẩm sau để xây dựng thực đơn cho mình nhé:
– Cam: ngoài giàu acid folic, cam còn là nguồn dồi dào chất xơ và vitamin C vừa giúp tăng khả năng hấp thụ sắt, lại vừa giúp giảm nguy cơ táo bón.
– Sữa, chế phẩm từ sữa: ngoài acid folic, sữa chứa nhiều protein và canxi, rất tốt cho sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.
– Măng tây: trong các loại rau quả, măng tây chứa hàm lượng folate cao nhất. Khi chế biến, chú ý nên hạn chế nấu quá kỹ vì có thể làm mất vi chất.
– Các loại rau xanh đậm như súp lơ, cải thìa…
– Lòng đỏ trứng: vitamin A, vitamin D, acid folic tập trung chủ yếu ở lòng đỏ trứng gà.
– Đậu tương: các loại đậu chứa lượng folate dồi dào, cao nhất phải kể đến đậu tương. Mẹ có thể dùng các chế phẩm từ đậu tương như sữa đậu nành, đậu phụ,…
– Khoai tây: ngoài acid folic, khoai tây còn chứa kẽm hỗ trợ cho sự phát triển dây thần kinh não của thai nhi.
– Quả bơ: bơ còn rất giàu chất béo lành mạnh, chứa omega 3 cực tốt cho tim mẹ và não bé.
Trên đây là một số thông tin chung về việc bổ sung acid folic trong thai kì. Tuy nhiên, cơ thể mỗi người có nhu cầu khác nhau tùy vào thể trạng, tiền sử bệnh tật… Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn liều lượng phù hợp nhé!

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng