Mẹ Bầu

Nếu nước ối trong bụng mẹ quá nhiều dẫn đến đa ối sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Vậy mẹ đã biết hết những thông tin về bệnh về đa ối ở sản phụ chưa?

Nội dung

Đa ối ở mẹ bầu là gì?

Nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi giúp bảo vệ thai nhi khỏi bị chấn thương trong bụng mẹ, bảo vệ thai nhi tránh khỏi nhiễm trùng cũng như giúp phổi phát triển. Và đặc biệt nó đóng vai trò như một môi trường chứa chất lỏng và chất dinh dưỡng cho thai nhi, hỗ trợ để thai nhi giữ được thân nhiệt ổn định thích hợp.

Dư ối và đa ối là tình trạng nước ối tăng lên nhiều hơn so với bình thường và nó có thể là dấu hiệu bệnh lý ở thai nhi hoặc bà mẹ. Trường hợp lượng nước ối nhiều hơn so với bình thường gọi là dư ối và đa ối (dư ối là đa ối thể nhẹ), ít nước ối so với bình thường gọi là thiểu ối. Lượng nước ối có thể được đánh giá bằng biện pháp siêu âm, dựa trên chỉ số nước ối (AFI) chia thành các mức độ như sau: 

Đa ối nguy hiểm như thế nào?

Đa ối xuất hiện càng sớm trong thai kỳ và lượng dịch ối càng cao thì nguy cơ biến chứng càng tăng. Dưới đây là 1 số rủi ro mà mẹ bầu có thể gặp phải khi mắc chứng đa ối:

  • Tăng trưởng và phát triển của thai nhi bị hạn chế, và có các vấn đề với phát triển khung xương.
  • Nguy cơ vỡ màng ối sớm
  • Sinh non trước 37 tuần
  • Rủi ro so với sinh thường, có thể gặp nhiễm trùng hậu sản.
  • Em bé sinh non nên các chức năng bộ phận chưa được hoàn thiện, có thể mẹ sẽ được cho thuốc steroid để giúp phổi của em bé trưởng thành nhanh hơn.
  • Sinh ngôi mông hoặc các tình huống không thuận lợi khác cho mẹ
  • Sa dây rốn
  • Khả năng bị chảy máu hay băng huyết sau sinh ở những bà mẹ bị đa ối thường cao hơn. Điều này là do tử cung bị chèn ép do lượng ối lớn và không thể co lại hoàn toàn như thông thường.
  • Thai chết lưu, đây là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Thực tế, thường không có biến chứng trong phần lớn các trường hợp đa ối. Những rủi ro trên thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra đa ối. Ngay sau khi em bé được sinh ra, lượng chất lỏng dư thừa cũng tháo ra và người mẹ cảm thấy thoải mái hơn ngay lập tức.

Tại sao mẹ bầu lại bị đa ối?

  • Nguyên nhân do người mẹ

Đái tháo đường trước hoặc trong khi mang thai là nguyên nhân thường gặp. Nếu không được kiểm soát một cách thích hợp rất dễ đa ối. Có 10% phụ nữ mang thai bị đa ối bị đái tháo đường.

Kháng thể kháng Rh và các bệnh tán huyết thứ phát do kháng thể bất thường có thể gây tình trạng thiếu máu thai nhi trầm trọng hoặc phù thai nhi có liên quan đến tình trạng đa ối.

  • Nguyên nhân do thai nhi

Bất thường hệ thống thần kinh trung ương thai nhi (vô sọ, khuyết tật ống nơ ron thần kinh).

Khuyết tật cấu trúc hệ thống tiêu hóa (tắc ống thực quản hoặc ống tiêu hóa).

Bất thường nhiễm sắc thể thai nhi

Phù thai không do yếu tố miễn dịch: Đây là hiện tượng có tiên lượng rất xấu và thường liên quan đến đa ối. Trường hợp điển hình có tình trạng phù rau thai.

Hội chứng truyền máu song thai là một rối loạn có tiên lượng xấu, xuất hiện với tỷ lệ 15% trong thai nghén song thai một màng đệm, hai túi ối, là biến chứng do đa ối ở thai nhận máu.

  • Nguyên nhân do nhau thai

U mạch máu màng đệm có thể gây suy tim thai nhi và dẫn đến tình trạng đa ối.

Các bệnh lý viêm nội mạc tử cung hoặc gây thương tổn bánh rau (giang mai).

Dấu hiệu của đa ối là gì?

Đa ối nhẹ thường không có dấu hiệu rõ ràng. Tuy nhiên, mẹ bầu sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Số đo vòng bụng (qua rốn) lớn hơn 100cm, bụng căng bóng, đau bụng,
  • Bụng sản phụ to hơn so với tuổi thai, khó nghe được nhịp tim thai,
  • Khó thở,
  • Ăn uống khó tiêu, ợ nóng,
  • Mắt cá chân và bàn chân bị sưng,
  • Táo bón,
  • Tĩnh mạch bị giãn có thể dẫn đến bệnh trĩ khi mang thai.

Thông thường mẹ bầu sẽ bị dư ối ở tuần thứ 30, tuy nhiên cũng có một số mẹ bầu bị dư ối ở tuần thứ 20 của thai kỳ. Trong những trường hợp đặc biệt, nước ối tăng thể tích một cách nhanh chóng khiến vòng bụng to đột ngột, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa và điều trị đa ối

  • Phòng ngừa bệnh Đa ối

Khám thai định kỳ. Trong các trường hợp bụng căng to quá nhanh, khó thở, phù 2 chi dưới, phù toàn thân, đau bụng cần đi khám ngay để được chẩn đoán và xử lý kịp thời,

Làm xét nghiệm đường máu và nghiệm pháp dung nạp đường huyết để chẩn đoán đái tháo đường từ đó có biện pháp kiểm soát tốt đường huyết hạn chế được lượng nước ối,

Làm các xét nghiệm chẩn đoán sàng lọc trước sinh tìm các dị tật bẩm sinh trong giai đoạn sớm của thai kỳ,

Nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lý.

  • Các biện pháp điều trị bệnh Đa ối

Tùy giai đoạn phát hiện đa ối mà có các hướng xử trí khác nhau

  • Xuất hiện ba tháng giữa thai kỳ cần:

Siêu âm khảo khát hình thái học thai nhi chuyên sâu để tìm các dị tật bẩm sinh

Làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết từ tuần thứ 24-28 của thai kỳ

Hội chẩn trung tâm chẩn đoán trước sinh để cân nhắc làm các xét nghiệm di truyền tìm bất thường nhiễm sắc thể

Khám định kỳ, theo dõi sát

  • Xuất hiện 3 tháng cuối thai kỳ cần

Kiểm tra biểu đồ tăng trưởng thai nhi

Loại trừ các nguyên nhân nội khoa của mẹ

Tuỳ vào kết quả xét nghiệm sàng lọc quý 1,2 mà tư vấn xét nghiệm di truyền học cho thai nhi

Cân nhắc thuốc trưởng thành phổi trong trường hợp trẻ có nguy cơ đẻ non

Cân nhắc hút bớt dịch trong trường hợp quá khó thở, chèn ép tim phổi ảnh hưởng đến toàn trạng của mẹ. Cần được sự đồng ý can thiệp thủ thuật của bệnh nhân cũng như gia đình.

Lời kết

Đa ối khi mang thai có thể gây ra những nguy hiểm cho cả hai mẹ con không chỉ trong thai kỳ mà còn cả trong quá trình chuyển dạ cũng như chăm sóc trẻ sau này. Vì vậy, việc khám thai định kỳ hay làm các xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh là nhằm phát hiện các dị tật có nguy cơ gây nên đa ối. Vì thế đừng bỏ quên các buổi khám thai định kỳ các mẹ nhé.

4women Clinic được thành lập Bác sỹ Phan Chí Thành, Chánh Văn Phòng TT Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Phòng khám có đội ngũ bác sỹ công tác tại Bệnh viện Phụ sản TW, trình độ chuyên môn cao, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa, vô sinh, y học tình dục và cùng hệ thống máy siêu âm Voluson E10 tối tân, giúp chẩn đoán trước sinh chính xác nhất.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng