Mẹ Bầu

Các xét nghiệm quan trọng khi mang thai giúp mẹ bầu biết được tình trạng sức khỏe của chính bản thân mình, sự phát triển của con yêu, phát hiện kịp thời những biến chứng và có biện pháp can thiệp để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thế xảy ra cho mẹ và bé. Vậy mẹ bầu nên thực hiện những xét nghiệm quan trọng nào trong suốt thai kỳ? Hãy đi tìm câu trả lời qua bài viết này nhé!

Nội dung

Các xét nghiệm trước khi mang thai

Xét nghiệm trước khi mang thai giúp chị em tầm soát được các nguy cơ bệnh tật ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. 

  • Xét nghiệm sàng lọc di truyền được thực hiện để phát hiện xem cha mẹ có mắc một số rối loạn di truyền nghiêm trọng hay không. Dù họ không mắc bệnh nhưng có thể mang một loại gen bệnh lây truyền cho con cái. Ngoài ra, nó cũng dựa trên lịch sử bệnh tật của cha mẹ và gia đình.
  • Khám phụ khoa: Khám và phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến việc mang thai như: viêm nhiễm đường sinh dục, polyp cổ tử cung…
  • Xét nghiệm và tiêm phòng trước khi mang thai một số bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi cao như viêm gan B, cúm, rubella, thủy đậu, uốn ván, HPV… Nên hoàn thành các mũi tiêm ít nhất 3 tháng trước khi quyết định mang thai.
  • Khám nha khoa: Rất nhiều bà mẹ vì không coi trọng mà bỏ qua bước khám này. Trên thực tế, phụ nữ trong quá trình mang thai và sau khi sinh rất dễ mắc các bệnh răng miệng do phải ăn số lượng nhiều, ăn nhiều bữa. Các bệnh răng miệng có thể dẫn đến nguy cơ sinh non trong nhiều trường hợp.

Các xét nghiệm quan trọng trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ

Xét nghiệm sàng lọc trong tam cá nguyệt thứ nhất thể giúp xác định vị trí và sự phát triển của thai nhi trong tử cung. Xác định số lượng thai và dự kiến ngày sinh đồng thời phát hiện sớm những dị tật bẩm sinh có thể xảy ra như thai vô sọ, hở cột sống, hở thành bụng hay thoát vị rốn,…

Có 3 xét nghiệm sàng lọc quan trọng trong tam cá nguyệt đầu tiên:

  • Xét nghiệm siêu âm đo độ mờ da gáy thai nhi. Độ mờ da gáy là sự kết tụ chất dịch ở vùng da mặt sau cổ của thai nhi. Tầm soát độ mờ da gáy thai nhi bằng siêu âm, kết hợp với xét nghiệm máu của mẹ và đánh giá chỉ số xương mũi thai nhi là những yếu tố để xem xét bé cưng của bạn có bị mắc hội chứng Down hay không. Trong trường hợp thai có độ mờ da gáy gần giá trị ngưỡng 3mm nên làm Double test để giúp đánh giá chính xác hơn nguy cơ hội chứng Down.
  • Xét nghiệm double test là xét nghiệm được chỉ định ở tất cả các thai phụ có thai trong quý đầu (giữa tuần thứ 9 đến hết tuần thứ 13) của thai kỳ. Đặc biệt là bắt buộc làm đối với những thai phụ có tiền sử gia đình có người bị dị tật bẩm sinh, thai phụ trên 35 tuổi, đang sử dụng thuốc hoặc các hóa chất có thể gây hại cho thai, bị bệnh tiểu đường và có sử dụng insulin, bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai, có tiếp xúc với phóng xạ liều cao. Xét nghiệm double test được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu của sản phụ để đánh giá nồng độ freeBeta hCG và PAPP-A  (pregnancy asscociated plasma protein-A). Xét nghiệm này cho phép phát hiện khoảng 95% thai kỳ mắc hội chứng Down.

Dựa vào kết quả siêu âm, bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn cần thiết, hữu ích cho mẹ bầu như có cần phải thực hiện các xét nghiệm thăm dò chuyên sâu hay không, chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, nên bổ sung thực phẩm chức năng nào. Bạn có thể được bác sĩ cho uống viên sắt hoặc vitamin tổng hợp trong lần khám này.

Các xét nghiệm quan trọng trong 3 tháng giữa của thai kỳ

Các xét nghiệm tiếp theo trong 3 tháng giữa thai kỳ kiểm tra cấu trúc của thai nhi, nhận biết những dấu hiệu sản phụ có nguy cơ sinh con có bệnh di truyền hoặc thai nhi không may bị dị tật bẩm sinh. Kiểm tra lượng nước ối, đo chiều dài của cổ tử cung và chẩn đoán bệnh đái tháo đường thai kỳ cho mẹ. để nhận biết những dấu hiệu sản phụ có nguy cơ sinh con có bệnh di truyền hoặc dị tật bẩm sinh. 

Sàng lọc thường được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu của người mẹ trong tuần thứ 15 và thứ 20 của thai kỳ (từ tuần thứ 16 đến tuần thứ 18 là lý tưởng)
Một vài xét nghiệm cần thiết trong tam cá nguyệt thứ hai bao gồm:

  • Siêu âm thai.
  • Xét nghiệm nước tiểu để: đo nồng độ Glucose, protein, hồng cầu, bạch cầu,…
  • Rút dịch màng ối (tuần thứ 16 đến 20): đối với những thai phụ có Double test nguy cơ cao
  • Xét nghiệm máu nhằm: Đo nồng độ Glucose, sàng lọc kháng thể Rh.
Các xét nghiệm quan trọng trong trong 3 tháng giữa của thai kỳ
Các xét nghiệm quan trọng trong 3 tháng giữa của thai kỳ

Các xét nghiệm quan trọng trong 3 tháng cuối của thai kỳ

Trong 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu cần đi khám thai để xác định ngôi thai, kiểm tra sức khỏe của thai nhi. Phát hiện và điều trị những bệnh lý như: Đái tháo đường hoặc tăng huyết áp thai kỳ, nhiễm trùng cơ quan tiết niệu, sinh dục. Đo độ dài tử cung để đánh giá nguy cơ sinh non.

Trong tam cá nguyệt sau cùng, những xét nghiệm cần thiết nhất bao gồm:

  • Siêu âm thai.
  • Xét nghiệm máu.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Đo monitoring sản khoa.

Lời kết

Trên đây là những lần xét nghiệm quan trọng khi mang thai mà mẹ bầu cần lưu ý. Dựa vào quá trình xét nghiệm trên, mẹ bầu theo dõi được tình trạng sức khỏe thai nhi qua từng thời kỳ, kịp thời phát hiện những bất thường của thai nhi nếu có để bác sĩ kịp thời can thiệp. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các lần siêu âm, xét nghiệm quan trọng, mẹ bầu cần chủ động tìm hiểu về tiêm vắc xin, cung cấp cho cơ thể những vitamin, chất dinh dưỡng cần thiết để mẹ và bé khỏe mạnh suốt thai kỳ. Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt, tập luyện thể dục thể thao cũng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể chất của bé yêu.

4women Clinic được thành lập Bác sỹ Phan Chí Thành, Chánh Văn Phòng TT Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Phòng khám có đội ngũ bác sỹ công tác tại Bệnh viện Phụ sản TW, trình độ chuyên môn cao, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa, vô sinh, y học tình dục và cùng hệ thống máy siêu âm Voluson E10 tối tân, giúp chẩn đoán trước sinh chính xác nhất.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng