Tiền mãn kinh - Mãn Kinh

Tình trạng căng tức vú không chỉ gặp ở những người trẻ, nhiều phụ nữ đã bước và giai đoạn tiền mãn kinh vẫn gặp tình trạng này. 

 

Chị Nguyễn Mai, 45 tuổi (Gia Lâm – Hà Nội) tâm sự rằng trong một tháng sẽ có khoảng 4-5 ngày phần vú căng tức. Điều đó khiến chị khá lo lắng, bởi đấy cũng là dấu hiệu của ung thư vú. Sau mấy tháng liền đều gặp tình trạng này, chị quyết định đi khám tại Ths.Bs.Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện Phụ sản TW

“Bác sĩ nói với tôi không cần lo lắng lắm vì phần ngực căng tức do sự thay đổi hormone trong tuổi tiền mãn kinh chứ không phải là ung thư. Tôi cảm thấy mình thoải mái hơn nhiều vì luôn sợ rằng nó là bạo bệnh”, chị Mai nói. 

Căng tức vú thường gặp ở tuổi ngoài 40

Với vấn đề của chị Mai, Ths.Bs.Phan Chí Thành cho biết, đau căng tức vú là hiện tượng thường xảy ra trong thời kì tiền mãn kinh. Đa phần, cảm giác đau sẽ ít hơn so với những gì chị em cảm thấy ngay trước kì kinh hoặc khi mang thai.

“Các triệu chứng tiền mãn kinh rất khác nhau ở mỗi người và chứng đau vú là một ví dụ điển hình. Chị em có thể cảm thấy ngực mềm và đau, giống như khi cơ bị kéo căng hoặc bầm tím. Đôi khi cơn đau bắt đầu ở vú, đặc biệt là góc trên bên ngoài, sau đó lan ra dưới cánh tay, sang vai hoặc ra sau lưng. Một số phụ nữ cảm thấy đau ở cả hai vú; những người khác thì chỉ một bên; có thể tự mất nhưng cũng có thể đau dai dẳng”, Bs Thành nói. 

Bác sĩ Thành cho biết thêm, sau khi qua thời kỳ tiền mãn kinh, chuyển sang mãn kinh hẳn, lúc đó nồng độ nội tiết cạn kiệt không còn dao động lúc cao, lúc thấp nữa cơn đau vú thường sẽ giảm bớt và dần biến mất hoàn toàn. 

Dao động hormone thất thường và các cơn đau tức vú

Theo bác sĩ Thành, cơn đau căng tức vú xảy ra trong thời kì tiền mãn kinh thường có nguyên nhân liên quan đến  mất cân bằng hormone giữa estrogen và progesterone. Cụ thể estrogen được coi như chân ga, kích thích các tế bào tăng sinh và phát triển, đó chính là nguyên nhân gây các tế bào tuyến vú cương lên và gây đau tức vú. Còn progesterone như chân phanh giúp thuần hóa và trưởng thành các tế bào tuyến vú, giúp làm dịu cơn đau tức của tuyến vú. 

Ở phụ nữ tiền mãn kinh nang trứng thường phát triển kéo dài vài tháng không có rụng trứng. Do đó, cơ thể chỉ tiết ra estrogen mà không tiết ra progesteron để kiểm soát quá trình phát triển của các tế bào. 

Biểu hiện của việc này tại tử cung sẽ gây tăng sinh các tế bào niêm mạc tử cung từ đó làm nguy cơ quá sản niêm mạc tử cung, gây rong kinh kéo dài sau 1 thời gian mất kinh vài tháng. 

Còn tại mô tuyến vú việc estrogen tăng kéo dài mà không có kiểm soát của progesteron sẽ gây ra hiện tượng căng tức, đau tuyến vú. Đó cũng chính là lý do tại sao sau khi mãn kinh hoàn toàn, buồng trứng cạn kiệt estrogen thì triệu chứng đau tức vú ngày càng thuyên giảm.

“Dấu hiệu đau tức khó chịu ở tuyến vú khá thường gặp ở chị em phụ nữ tiền mãn kinh. Do đó nếu các biểu hiện này gây nhiều khó chịu, chị em nên đến tham vấn ý kiến của các bác sĩ phụ sản, các bác sĩ có thể giúp chị em ổn định và cân bằng nội tiết, từ đó cải thiện các khó chịu gây ra bởi thời kỳ tiền mãn kinh”, Bs Thành thông tin. 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng