Tiền mãn kinh - Mãn Kinh

Chị Lê Xuân Mai (58 tuổi – Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ rằng, bản thân biết mình có nguy cơ loãng xương nên luôn chủ động bồi bổ canxi khi có thể, vậy mà chị vẫn bị đau mỏi lưng kéo dài. Sau một lần chị trượt chân ngã và bị xẹp đốt sống, chị vào viện chữa trị và được chẩn đoán loãng xương.

Nhận kết quả, chị Mai bần thần vì luôn tự tin với sức khỏe của xương khi đã chi tiền triệu mỗi tháng để mua canxi bồi bổ.

Loãng xương là gì?

Theo ThS.BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Loãng xương là tình trạng mà mật độ xương bị giảm sút đi kèm với suy giảm cấu trúc xương. Xương yếu dẫn đến gãy xương ở cột sống lưng, thắt lưng, cổ tay và khớp háng (gọi là gãy xương do loãng xương). Bệnh diễn biến âm thầm, triệu chứng mờ nhạt và bệnh nhân thường chỉ phát hiện bệnh khi đã có biến chứng gãy xương.

Dl5

Loãng xương để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng

Thoạt nghe qua, nhiều người cho rằng loãng xương là bệnh tất yếu của tuổi già nên không cần điều trị. Tuy nhiên, loãng xương có thể để lại những biến chứng rất nặng nề như gãy nhiều xương và tàn phế. Điển hình như tình trạng xẹp đốt sống của chị Mai có thể dẫn đến biến dạng cột sống và các biến chứng thần kinh. Trong khi đó, tình trạng này có thể ngăn chặn hiệu quả bằng nhiều biện pháp.

 

Vì sao chỉ bổ sung canxi không hiệu quả để chống loãng xương?

Có một thực tế là nhiều phụ nữ chi rất nhiều tiền hàng tháng để bổ sung canxi nhưng lại không mấy hiệu quả trong việc ngăn chặn loãng xương.

Về vấn đề này, BS Thành phân tích: “Mãn kinh làm lượng nội tiết tố nữ estrogen sụt giảm và điều này hạn chế khả năng chuyển hoá canxi vào trong xương. Đối với phụ nữ trẻ mới bước vào thời kỳ tiền mãn kinh hoặc tiền mãn kinh, chúng ta nên bổ sung nội tiết tố. Tuy nhiên, phụ nữ lớn tuổi hơn (ngoài 60 tuổi) không nên sử dụng liệu pháp nội tiết vì lợi ích nội tiết tố mang lại lúc này nhỏ hơn tác hại của chúng lên sức khoẻ như: tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và hình thành cục máu đông. Do đó cửa sổ điều trị nội tiết tố tốt nhất từ 40-60 tuổi.”

Do đó, với phụ nữ ngoài 60 tuổi, để chống loãng xương hiệu quả, BS Thành khuyến cáo, ngoài việc cung cấp canxi, chị em nên bổ sung các loại thuốc, hoạt chất tăng hấp thụ canxi vào xương. Cụ thể:

  Vitamin D có tác dụng làm tăng hấp thu canxi và photpho ở ruột và từ đó cung cấp khoáng chất cho xương. Thiếu hụt vitamin D gián tiếp gây ra loãng xương do lượng canxi cơ thể nạp vào không được sử dụng triệt để. Một nghiên cứu năm 2003 chỉ ra rằng có hơn 90% bệnh nhân than phiền về chứng đau cơ xương mạn tính không đặc hiệu là do thiếu vitamin D. 

“Lượng vitamin D khuyến cáo dùng hàng ngày là 600 IU/ngày, nhưng nên tăng lên 800 IU/ngày ở những người từ 71 tuổi trở lên. Phụ nữ mãn kinh có thể bổ sung vitamin D bằng cách tiếp xúc với ánh nắng mặt trời 15 phút trong vòng ba đến bốn lần mỗi tuần. Ngoài ra, các chị em nên sử dụng thêm các chế phẩm thuốc và thực phẩm chức năng bổ sung vitamin D theo chỉ định của bác sĩ”, BS Thành cho hay.

Dl6

Vitamin D giúp phòng ngừa loãng xương.

Bisphosphonate là thuốc hàng đầu trong điều trị và phòng chống loãng xương và gãy xương cho phụ nữ mãn kinh. Các thuốc thuộc loại bisphosphonate này có thể ức chế quá trình huỷ xương và gia tăng sự tích luỹ canxi vào xương. Phụ nữ ngoài 50 tuổi có thể sử dụng các thuốc thuộc nhóm này như Fosamax (alendronate), Actonel (risedronate), Boniva (ibandronate) và Reclast (axit zoledronic).

Dl7

Bisphosphonate là thuốc hàng đầu trong điều trị và phòng chống loãng xương

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các thuốc và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị loãng xương nhưng khi lựa chọn sử dụng một loại thuốc bạn cần trao đổi với bác sĩ để tìm được loại thuốc phù hợp cũng như được hướng dẫn cách dùng, liều lượng và thời gian sử dụng.

 

Bs Phan Chí Thành. Chánh Văn Phòng TT Đào tạo BV Phụ sản TW.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng