Tiền mãn kinh - Mãn Kinh

Hiện nay bệnh tim mạch là căn bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu ở phụ nữ trên 40 tuổi. 

Chị Mai Loan, 42 tuổi (Hà Đông, Hà Nội) hiện đang kinh doanh tự do. Khi bước vào tuổi 40, chị đã chuẩn bị sẵn tâm lý để tìm hiểu những gì liên quan đến mãn kinh ở phụ nữ và biết được cơ thể mình phải thay đổi những gì trong giai đoạn cơ thể chuyển tiếp này. Sau khi đọc báo và các sách vở, nhận ra phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh về tim mạch rất cao nên chị Loan có gửi thắc mắc tới Phòng khám 4women Clinic như sau:

 “Chào bác sĩ, theo mình được biết bệnh tim mạch được phát hiện nhiều hơn ở nữ giới tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh và có tỷ lệ tử vong cao. Vậy những yếu tố nào làm tăng khả năng mắc căn bệnh này ạ? Cảm ơn bác sĩ”.

bệnh tim
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn nam giới

Ths.Bs. Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, thuật ngữ “bệnh tim mạch” thường được nghĩ ngay đến bệnh nhồi máu cơ tim hay “bệnh lý động mạch vành” . Động mạch vành là động mạch cấp máu cho tim bị các mảng xơ vữa bám vào thành mạch gây hẹp lòng mạch, đồng thời làm giảm khả năng đàn hồi co giãn của thành mạch gây ra tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn hay một phần động mạch vành, từ đó gây thiếu máu cơ tim hay nhồi máu cơ tim.  

Theo Bs Thành có rất nhiều yếu tố hay bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hay cụ thể là nhồi máu cơ tim ở phụ nữ sau 40: 

Rối loạn mỡ máu hay tăng Cholesterol máu

Cholesterol là một chất béo được tìm thấy trong ở trong máu và trong các tế bào của cơ thể. Cholesterol có nguồn gốc từ thức ăn như các loại thịt gia súc, gia cầm, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa, được cơ thể tổng hợp chủ yếu tại gan. 

Cholesterol là một thành phần quan trọng tạo nên cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt có vai trò quan trọng trong việc sản xuất các hormon có nguồn gốc steroid như hormon sinh dục. Tuy nhiên nếu hàm lượng cholesterol tăng cao trong máu sẽ lắng đọng tạo thành các mảng xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ các bệnh lý và biến cố tim mạch. Từ đó làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông, gây tắc nghẽn mạch máu, đặc biệt các động mạch nuôi dưỡng các c cơ quan quan trọng như tắc động mạch vành ở tim gây nhồi máu cơ tim, hay tắc mạch não, gây nên đột quỵ.

Thừa cân, béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, và có lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng mỡ máu, đặc biệt Cholesterol. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo mọi người cần kiểm tra hàm lượng mỡ máu và cholesterol định kỳ từ bốn đến sáu năm một lần, bắt đầu từ tuổi 20. Nếu bệnh nhân có nhiều nguy cơ phát triển tăng cholesterol máu, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra sớm hơn hoặc thường xuyên hơn. 

Tăng huyết áp 

Tăng huyết áp là một tình trạng áp lực trong mạch máu cao hơn mức cho phép làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Theo thời gian, tăng huyết áp, làm mạch máu thường xuyên chịu tải dưới áp lực lớn, gây phá hủy mạch máu, làm tăng khả năng mắc các bệnh đột quỵ và nhồi máu cơ tim. 

Huyết áp được tính dựa trên 2 yếu tố: sức co bóp của tim hay lượng máu trong mỗi nhát bóp của tim và sức cản của lòng mạch máu khi máu chảy qua. Do đó, càng nhiều lượng máu được bơm trong mỗi lần bóp của tim và đường kính lòng động mạch càng hẹp lại, huyết áp càng tăng.

Trước mãn kinh, cơ thể phụ nữ tiết ra hormon estrogen là 1 chất có tác dụng tăng tính đàn hồi và bảo vệ thành mạch, do đó phụ nữ ít nguy cơ bị tăng huyết áp hơn so với những người đàn ông cùng tuổi. Nhưng sau khi mãn kinh, khi buồng trứng không còn sản xuất được estrogen, phụ nữ có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn so với đàn ông. 

Đặc biệt sau tuổi 65, hoặc sau khoảng 10 năm sau mãn kinh, thành mạch của phụ nữ trải qua 1 thời gian dài không có estrogen, mất đi sự đàn hồi và tăng lắng đọng xơ vữa động mạch. Khi đó nguy cơ tai biến mạch máu như nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não tăng lên nhiều lần. Đây cũng chính cơ sở khoa học của giai đoạn cửa sổ lý tưởng để bổ sung nội tiết tố là trong vòng 10 năm sau mãn kinh, bởi khi đó thành mạch vẫn còn đủ đàn hồi để đáp ứng với điều trị bổ sung nội tiết. 

Nếu gia đình bạn có người cũng bị tăng huyết áp, bạn sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp. Lối sống lười vận động thể chất, chế độ ăn giàu chất béo, đường, muối và nghiện thuốc lá, hoặc thừa cân đều làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp trong tương lai.

Đái tháo đường

Đái tháo đường (tiểu đường) cũng có liên quan chặt chẽ đến bệnh tim mạch và khả năng bạn mắc bệnh này sẽ tăng lên khi chúng ta già đi. Nếu mắc bệnh tiểu đường bạn sẽ tăng gấp đôi nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. 

Nguy cơ xuất hiện các cơn đau thắt ngực có thể tăng gấp ba ở bệnh nhân đái tháo đường. Phụ nữ đái tháo đường thường thừa cân kèm tăng cholesterol và có nguy cơ bị xơ vữa động mạch và huyết khối cao hơn. Đái tháo đường là nguyên nhân gây bệnh mạch vành phổ biến ở phụ nữ hơn đàn ông. Sau tuổi 45, nhiều phụ nữ có nguy cơ bị đái tháo đường cao hơn đàn ông. Đến đây chúng ta lại thấy sự sụt giảm nội tiết ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh lại là thủ phạm gây ra các bệnh lý rối loạn chuyển hóa ở phụ nữ như tiểu đường và rối loạn mỡ máu. Hẳn rất nhiều chị em thấy mình từ từ tăng cân, tăng vòng eo, dù vẫn tập luyện và ăn kiêng như cũ.

Do đó quyết tâm giảm cân và kiểm soát chặt tình trạng đường máu ổn định trong ngưỡng cho phép giúp giảm nguy cơ và biến chứng tiểu đường rất nhiều.Bạn hãy kiểm soát cân nặng và giảm cân để hạn chế tăng khả năng cholesterol cao, béo phì và tiểu đường. Bạn cần ăn uống lành mạnh, nhiều rau xanh: một bữa cơm tiêu chuẩn gồm ¼ ngũ cốc, tinh bột, ¼ thịt, trứng, sữa và 2/4 rau củ quả. Chị em nên chú trọng đến việc tập thể dục nhiều hơn, có thể đi bộ, chạy bộ, yoga, thiền… Bạn cần tuyệt đối bỏ thuốc lá và bia rượu vì nó làm tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch. 

Ths.Bs. Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Phụ sản TW
Ths.Bs. Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến – Bệnh viện Phụ sản TW

“Chính các bệnh lý tim mạch và chuyển hóa mới là thủ phạm chính gây tử vong và tàn phế ở phụ nữ trung niên. Do đó sau 40, phụ nữ cần khám tim mạch, huyết áp, mỡ máu định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời”, Bs Thành khuyên.

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng