Tiền mãn kinh - Mãn Kinh

Hiện nay nhiều phụ nữ ở giai đoạn mãn kinh có xu hướng gia tăng mắc bệnh loãng xương, điều này khiến chị em dễ bị gãy xương dù chỉ là va chạm nhẹ. 

 

Chị Lan Anh, 55 tuổi (Hoàng Mai – Hà Nội) đang là nội trợ. Tuần trước, trong lúc đang chuẩn bị bữa tối cho gia đình, chị sơ ý vấp chân vào ghế và ngã ra sàn. Mặc dù ngã nhẹ nhưng tay đau nhức rất khó chịu, vì vậy chồng đã chở chị Lan Anh đi kiểm tra sức khỏe. 

“Sau khi được thăm khám, bác sĩ bảo tôi bị rạn xương ở cổ tay và có chẩn đoán loãng xương cấp độ 1. Chẳng biết lý do vì sao tôi bị loãng xương dù ăn uống đầy đủ và thường xuyên tập thể dục”, chị Lan Anh lo lắng. 

Loang Xuong
Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ loang xương nhiều hơn so với nam giới

Những thay đổi trong xương có thể bạn chưa biết

Với vấn đề của chị Lan Anh, Ths.Bs. Phan Chí Thành Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, xương là các mô sống, phát triển và liên tục biến đổi. Trong suốt cuộc đời, các mô xương cũ bị phá vỡ và loại bỏ, và thay thế vào đó là các mô xương mới. 

Các chất nội tiết tố như estrogen và testosterone đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì khối lượng xương của cơ thể. Sau tuổi dậy thì nồng độ các chất nội tiết tăng cao và đạt đỉnh, do đó quá trình tạo xương mới diễn ra mạnh mẽ, vượt trội hơn quá trình huỷ xương, nên chiều cao tăng vượt trội và khối lượng xương thường đạt đỉnh ở tuổi 30. Sau đó, cùng với tuổi tác, nồng độ nội tiết tố sụt giảm dần, quá trình tạo xương dần kém hơn quá trình huỷ xương, từ đó khối lượng xương của cơ thể giảm dần theo thời gian. 

Chuyên gia thành lý giải thêm, với nam giới quá trình này diễn ra từ từ. Tuy nhiên ở nữ giới, xung quanh thời kỳ mãn kinh, buồng trứng sản xuất nội tiết bị cạn kiệt, nồng độ estrogen giảm mạnh ở thời kỳ tiền mãn kinh và gần như hết hẳn ở thời kỳ mãn kinh. Do đó tốc độ mất xương gây loãng xương ở nữ giới quanh giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh nhanh hơn đàn ông rất nhiều. Đó là lý do vì sao nữ giới sau 50 tuổi gặp rất nhiều vấn đề về xương cốt như đau lưng, thoái hoá cột sống, loãng xương và gãy xương. Ước tính lượng xương mất tăng nhanh trong khoảng 1 đến 2 năm trước khi người phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh và kéo dài sau đó 5 đến 10 năm. Sau thời điểm đó, khối lượng xương vẫn tiếp tục sụt giảm nhưng với một tốc độ chậm hơn.

Loãng xương ở nữ giới – cách phòng ngừa

ảnh Bs Phan Chí Thành
ThS. BS Phan Chí Thành (phải) – Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản TW).

Theo bác sĩ Thành, hiện tượng mất xương này làm tăng nguy cơ bị loãng xương, từ đó xương của chị em trở nên yếu hơn và kéo theo nguy cơ gãy xương tăng cao. Phụ nữ sau tuổi mãn kinh thường hay gãy xương đùi, xương cổ tay và cột sống. Một nghiên cứu chỉ ra khoảng 50% phụ nữ trên 50 tuổi có nguy cơ bị gãy xương do loãng xương. 

Một nửa số phụ nữ trên 50 tuổi sẽ bị gãy xương do loãng xương và các bệnh liên quan. Trên thực tế, nhiều phụ nữ sẽ chết vì biến chứng của loãng xương hơn là ung thư vú.

 Chuyên gia nhấn mạnh, loãng xương không gây nên bất kì một triệu chứng rõ ràng nào, nên loãng xương thường được gọi là “căn bệnh thầm lặng”. Rất nhiều phụ nữ đều không biết rằng họ có nguy cơ này cho đến khi họ bị gãy xương. Bên cạnh đó giảm chiều cao hoặc gù cũng là một dấu hiệu của loãng xương vì những sự thay đổi này cũng bắt nguồn từ lí do gãy xẹp các xương trong cột sống (các đốt sống).  

Bác sĩ Thành chỉ ra nhiều biện pháp giúp chị em có thể làm chậm quá trình mất xương từ đó hạn chế được loãng xương. Chị em cần nghiêm túc thực hiện một vài thay đổi trong lối sống và sinh hoạt ngay từ bây giờ, để giúp xương tiếp tục thực hiện công việc của chúng: giữ cho cơ thể cứng cáp, khỏe mạnh và đứng thẳng. Hãy chú ý đến chế độ ăn uống để đảm bảo chị em đang nạp đủ lượng canxi và vitamin D cho cơ thể. Cùng với đó, chị em nên bắt đầu thói quen tập luyện thường xuyên với trọng tâm là rèn luyện sức bền và các bài tập chịu lực, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, leo cầu thang, chơi cầu lông và khiêu vũ. Tất cả những nỗ lực này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho suốt phần đời còn lại.

Bên cạnh các thay đổi lối sống và sinh hoạt, có rất nhiều liệu pháp y tế hiệu quả có thể thể ngăn ngừa tình trạng loãng xương như bổ sung nội tiết tố, sử dụng các thuốc tạo xương và ức chế quá trình huỷ xương. 

“Tuy nhiên do loãng xương luôn là căn bệnh thầm lặng, do đó chị em tiền mãn kinh và mãn kinh cần khám sức khỏe xương khớp định kỳ để có được chẩn đoán và xử trí loãng xương kịp thời”, Bs Thành khuyên.

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng