Tiền mãn kinh - Mãn Kinh

Các cơn đau ở độ tuổi mãn kinh sẽ xuất hiện rất nhiều, đặc biệt là các vấn đề xương khớp, vai gáy. Vậy có những vấn đề vai gáy nào? chúng ta cần biết gì về nó. Hãy để bác sĩ Phan Chí Thành – Chánh Văn phòng, Trung tâm Đào tạo bệnh viện Phụ sản TW đại diện Pk 4 women clinic giải đáp cho các bạn nhé.

Vấn đề vai gáy – Rách chóp xoay

 

các vấn đề về vai gáy ở phụ nữ

Câu hỏi: Tôi là một vận động viên quần vợt, và tôi nghĩ mình đang có một thân hình khá ổn. Nhưng gần đây, sau một trận đấu gắng sức, tôi cảm thấy đau nhói ở phía trên và bên ngoài vai. Bây giờ tôi thậm chí còn gặp khó khăn khi nâng cánh tay lên để mặc quần áo. Phải chăng đây là dấu hiệu của mãn kinh hay lão hóa?

 

Bác sĩ Phan Chí Thành: Các vấn đề vai gáy như của bạn là nguyên nhân chính đưa bạn đến với các bác sĩ chấn thương chỉnh hình. Mỗi năm, có khoảng 4 triệu người Mỹ tìm kiếm sự chăm sóc y tế cho tình trạng bong gân vai, căng cơ, trật khớp hoặc các vấn đề khác. Vì vậy, cũng không ngoại lệ, nếu bị đau, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác, tuy nhiên có thể bạn đã bị rách chóp xoay, phần gân cùng với các cơ giữ cho vai của bạn chắc và ở đúng vị trí. Đây là một vấn đề phổ biến ở tuổi trung niên đối với cả hai giới, có bản chất liên quan đến lão hóa chứ không phải mãn kinh. 

     Các môn thể thao liên quan đến cử động cánh tay lên cao lặp đi lặp lại (ví dụ như quần vợt, cầu lông,…) khiến bạn đặc biệt dễ gặp phải loại chấn thương này. Đây cũng là một vấn đề đối với những người có công việc đòi hỏi phải mang vác nặng. Các gân chóp xoay có thể rất chắc nhưng cũng bị mòn dần theo thời gian và do đó dễ bị rách khi chúng bị căng quá mức. Ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể nghe thấy tiếng “cách” hoặc bật ra khi cử động vai.

     Đôi khi, chóp xoay bị tổn thương cũng có thể do nguyên nhân từ chính bản thân nó, chứ không phải do chấn thương hoặc tác động bên ngoài. Một phần ba trong số đó là do nuôi dưỡng kém, và điều này khiến nó đặc biệt dễ bị tổn thương, điều này có thể trầm trọng hơn theo thời gian. Một trong những gân chính được bảo vệ trong đường hầm xương sẽ yếu đi khi bạn già đi — đặc biệt nếu bạn bị loãng xương.

     Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ kiểm tra giới hạn vận động vai của bạn và thăm khám xem bạn đau ở đâu. Không phải lúc nào cũng xác định được vấn đề chỉ qua khám và các xét nghiệm như chụp X-quang và MRI cũng có những hạn chế nhất định. Chụp X-quang có thể cho hình ảnh bình thường ngay cả khi thực sự có vết rách. MRI thường có thể phát hiện vết rách phía trước và vết rách lớn ở phía sau, nhưng những vết rách nhỏ phía sau có thể khó nhìn thấy. Bác sĩ có thể đề nghị chụp X-quang khớp. Khi đó, một chất lỏng cản quang được tiêm vào khớp vai và sau đó được hiển thị trên X-quang. Chất lỏng có thể bị rò rỉ vào một vùng khác (cho thấy vết rách) hoặc cản trở đường vào. Điều này giúp bác sĩ định khu được tổn thương. Nếu tất cả các xét nghiệm của bạn đều cho kết quả âm tính và bạn vẫn cảm thấy đau, hãy kiên nhẫn trở lại tìm bác sĩ và nói rằng bạn cần được kiểm tra thêm.

      Nói chung, bước điều trị ban đầu là cho vai được thư giãn bằng cách chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm đau. Thuốc giảm đau cũng có tác dụng. Bạn có thể phải đeo dây băng trong vài ngày. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, bạn sẽ được tiêm cortisone gần khu vực bị viêm. Bác sĩ cũng có thể sẽ gợi ý các bài tập giúp phục hồi chức năng cho vai của bạn. Nếu tất cả các lựa chọn thay thế trên đều không thành công, có thể bạn sẽ cần được phẫu thuật.

Vấn đề viêm quanh khớp vai thể đông cứng 

 

Câu hỏi: Tôi bị tai nạn xe đạp và ngã ở tư thế nghiêng. Hiện tại tôi cảm thấy khó cử động vai hơn, bác sĩ nói rằng vùng tổn thương đang trong tình trạng đông cứng và đờ ra. Điều đó nghĩa là sao?

 

Đau vai gáy

Bác sĩ Phan Chí Thành: Khi chúng ta già đi, các khớp của chúng ta gặp nhiều khó khăn hơn khi phục hồi khi gặp tổn thương — như ngã xe đạp chẳng hạn. “Đông cứng vai”, một tên gọi phổ biến của bệnh viêm dính bao khớp, có nghĩa là khả năng vận động của vai bạn bị hạn chế nghiêm trọng. Nếu sau một chấn thương, vai của bạn quá đau mỗi khi vận động, sau một thời gian, nó sẽ viêm và các dải mô kết dính lại với nhau giữa các bề mặt khớp. Cuối cùng, khớp trở nên căng và cứng đến mức khó có thể nâng cánh tay của bạn lên. Tình trạng cứng và đau thường trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm. Những người bị bệnh tiểu đường, đột quỵ, bệnh phổi, viêm khớp dạng thấp, bệnh tim có nguy cơ cao bị đông cứng vai.

     Quá trình này tiến triển theo ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là “đóng băng” thực sự, kéo dài khoảng ba tuần. Đây là thời điểm tốt nhất để điều trị. Bạn cảm thấy đau ngay cả khi đang nghỉ ngơi và hạn chế vận động vai. Trong giai đoạn thứ hai, bạn thường chỉ bị đau khi di chuyển, nhưng đây không phải là dấu hiệu cải thiện; nó có nghĩa là một số cơ vai của bạn đã bắt đầu bị teo. (Bạn thực sự có thể nhìn thấy điều này trong gương; vai bị tổn thương trông sẽ khác với vai còn lại.) Giai đoạn “tan băng” là khi bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn, thường là sau khi vật lý trị liệu.

     Điều trị thường bắt đầu bằng thuốc chống viêm và nhiệt, kèm với đó là các bài tập giãn cơ nhẹ nhàng, bạn sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ bởi các chuyên gia vật lý trị liệu. Vật lý trị liệu có thể phá vỡ sự kết dính. (Bạn thậm chí có thể nghe thấy chúng bật ra trong quá trình tập luyện trị liệu.) Nếu vẫn không hiệu quả, bác sĩ có thể gây mê cánh tay của bạn để phá bỏ chúng.

ĐAU VAI GÁY

Nguồn gốc cơn đau: Đau vai gáy là tình trạng nhóm cơ của vùng vai gáy bị co cứng lại, gây nên những cơn đau khó chịu, nếu nặng còn hạn chế một số vận động như quay cổ, quay đầu. Đau vai gáy là một tình trạng hết sức phổ biến ở phụ nữ mãn kinh, thường bắt đầu từ độ tuổi 40, có thể sớm hơn do tiền sử bệnh lý, gia đình, thói quen sinh hoạt,…Như bạn đã đọc trong cuốn sách này, hormone estrogen tác động đến sự trưởng thành của xương, cũng như giúp duy trì sự chắc khỏe của xương trong suốt cuộc đời một người. Khi bạn bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ estrogen trong cơ thể sụt giảm sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bộ xương, dẫn đến tình trạng đau mỏi thường xuyên. Tất nhiên, ngoài sự thay đổi nồng độ nội tiết tố, còn có rất nhiều yếu tố khác góp phần gây ra tình trạng này, ví dụ như quá trình lão hóa hay thói quen sinh hoạt hàng ngày của mỗi người.

Những cơn đau vai gáy sẽ cản trở nhiều hoạt động trong đời sống của bạn, không những vậy còn gây đau nhức khó chịu. Có các loại cơn đau khác nhau, và triệu chứng cũng như chữa trị khác nhau. Cùng PK 4 women clinic tìm hiểu sâu về vấn đề này nhé.

 

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng