Mẹ Bầu

Bước sang giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu đang chuẩn bị về đích và để sẵn sàng cho cuộc “vượt cạn” an toàn. Vậy mang thai 3 tháng cuối mẹ bầu cần lưu ý những điều gì?

giai doan 3 thang cuoi thai ky
Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ

Nội dung

Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng cuối thai kỳ

  • Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng cuối diễn ra một cách rất mạnh mẽ. Đây là giai đoạn thai nhi có sự bứt phá về cân nặng và chiều cao.
  • Vào tuần thai thứ 27: Thai nhi bắt đầu biết mở mắt, bé có thể nhìn được mọi vật trong khoảng 15 cm và nhận biết được sáng tối qua ánh sáng của bụng mẹ.
  • Từ tuần thai thứ 28 – 32: Mỗi tuần, trọng lượng thai nhi sẽ tăng khoảng 500 gram, chu vi vòng đầu tăng 2,5 cm. Phổi hoàn thiện để bé có thể sinh tồn được nếu bị sinh non.
  • Tuần thai thứ 35: Thính giác bé đã hoàn thiện, bé nghe rất rõ những âm thanh bên ngoài nên mẹ hãy dành thêm thời gian để trò chuyện với bé nhiều hơn. Trong ruột và gan bé đang tích tụ meconium còn gọi là phân su, sau khi bé chào đời phân su này sẽ được thải ra ngoài theo đường tiêu hoá của bé.
  • Tuần thai thứ 36: Em bé đã xoay đầu xuống vùng xương chậu của mẹ.
  • Tuần thứ 37: Tim và hệ hô hấp đã trưởng thành, nếu được sinh ra trong tuần này bé có thể tự thở rất tốt không cần sự hỗ trợ của máy móc.
  • Tuần 40: Bé đã nặng 3,3 – 3,6 kg và nhau thai nặng 650g và dày 2 – 3 cm.

Chặng đường cuối cùng của bé trong bụng mẹ đã dần cán đích, mẹ bầu hãy chuẩn bị cho mình tâm thế thoải mái và sẵn sàng nhất để chào mừng bé nhé!

Sự thay đổi của mẹ bầu

Chính vì sự tăng trưởng nhanh chóng về kích thước của thai nhi khi ở 3 tháng cuối thai kỳ, mà cơ thể mẹ mang thai cũng sẽ có những thay đổi rõ rệt nhất.

Phần bụng

Da bụng mẹ bầu sẽ căng ra, xuất hiện các vết rạn nứt, rốn lồi ra một ít nhưng mẹ hãy yên tâm vì sau khi sinh rốn sẽ trở lại trạng thái như ban đầu. Về vấn đề rạn da, mẹ hoàn toàn có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các loại kem chống rạn da cho bà bầu để cải thiện. Mẹ nên tham khảo và nghe tư vấn của bác sỹ sản khoa để tìm được loại kem an toàn và hữu dụng nhất nhé.

Phần ngực

Ngực mẹ bầu sẽ phát triển to hơn để đảm bảo đủ lượng sữa cho bé yêu khi chào đời.

Cân nặng

Mẹ bầu có thể tăng thêm đến 4kg chỉ tính riêng trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ. Trọng lượng tăng thêm lý tưởng của mẹ mang thai trong toàn thai kỳ là 12 -13kg.

Vào tuần thứ 38 của quá trình mang thai 9 tháng, việc tích lũy mỡ cho cơ thể bé vẫn tiếp tục nhưng ít hơn so với trước đó. Đây cũng là lúc mẹ bầu nhận thấy mình sẽ ít tăng cân hoặc vấn đề tăng cân hoàn toàn chấm dứt.

Một số triệu chứng thường gặp

Mẹ có thể sẽ ợ chua, táo bón, khó ngủ, mệt mỏi, và đi tiểu nhiều. Mẹ bầu đừng quá lo lắng, vì đó là dấu hiệu bé đang lớn nhanh và hoàn thiện tốt. Chính vì độ “tinh nghịch” của thai nhi trong bụng mẹ bầu mà mẹ sẽ cảm thấy đôi khi khó thở và mất ngủ.

Bé yêu nên cử động ít nhất là 10 lần trong vòng 2 giờ đồng hồ. Khi cảm thấy cử động của bé giảm dần, mẹ hãy đếm thử. Nếu số lần ngọ nguậy của bé ít hơn con số trên, mẹ bầu nên gặp bác sĩ để tham vấn.

Xem thêm: giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ

Những vấn đề thường gặp ở tam cá nguyệt cuối và biện pháp khắc phục

Sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu những triệu chứng dễ xảy ra trong tam cá nguyệt cuối của thai kỳ.

nhung van de thuong gap o tam ca nguyet cuoi
Những vấn đề thường gặp ở tam cá nguyệt cuối

Sưng phù chân, giãn tĩnh mạch

Hiện tượng sưng phù là triệu chứng dễ xảy ra trong thai kỳ, rất nhiều mẹ bầu ở tam cá nguyệt cuối bị sưng phù nhiều hơn. Triệu chứng này xảy ra do bầu càng nhiều tuần thì lượng máu trong cơ thể càng tăng, dễ gây ra tình trạng chất lỏng trong máu bị tích lại dưới mô hạ bì.

Ngoài ra, do sự chèn ép của tử cung ngày càng lớn, nên sự lưu thông máu của chi dưới kém hơn, mạch máu bề mặt bị phồng lên dẫn đến hiện tượng giãn tĩnh mạch.

Hiện tượng phù nề, giãn tĩnh mạch xuất hiện ở mẹ bầu 3 tháng cuối thai kỳ là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường.

Hiểu 1 cách đơn giản thì nếu chân bạn bì phù lên ở mức độ tương ứng với tăng 1cm kích cỡ giày thì độ phù này là bình thường ở mẹ bầu. Tuy nhiên nếu cảm thấy phù nề cả mặt và toàn thân, huyết áp lại bị tăng cao thì rất có khả năng là bị cao huyết áp thai kỳ, cần phải đến thăm khám bác sĩ để chữa trị.

Cách khắc phục:

  • Không đứng liên tục trong thời gian dài
  • Khi nằm thì nên nằm nghiêng bên trái
  • Khi nghỉ ngơi thì nên để chân cao lên 1 chút
  • Uống đầy đủ nước (1 ngày 2 lít)
  • Đi tất chuyên dụng cho giãn tĩnh mạch
  • Khi cơ thể bị thiếu nước thì sẽ tự động tích nước. Do đó cần uống đầy đủ nước, khi việc nạp nước và bài tiết cân bằng thì sẽ giảm thiểu được tình trạng phù nề.

Thiếu máu

Khi mang thai, lượng máu lưu thông tăng lên, nhưng số lượng hồng cầu lại không tăng nhiều bằng tỷ lệ tăng của lượng máu tổng thể, nên dễ gây ra thiếu máu.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu máu nhẹ là hiện tượng sinh lý hết sức bình thường trong thai kỳ, nên không cần phải lo lắng nhiều.

Cách khắc phục: Nếu bị tim đập nhanh, khó thở, chóng mặt, thì nên đi thăm khám để biết là nguyên nhân có phải do thiếu máu hay không, có cần phải chữa trị hay không. Đừng tự ý bổ sung thực phẩm chức năng hay bổ sung quá nhiều sắt mà chưa hỏi qua ý kiến bác sĩ.

Đau lưng

Ở giai đoạn tam cá nguyệt cuối thì bụng mẹ bầu ngày càng lớn hơn, do đó tư thế của mẹ bầu dần chuyển sang tư thế cong ngả thân trên để giữ cân bằng cho cơ thể.

Tư thế cong ngả này làm đè nặng lên phần hông, dẫn đến tình trạng đau lưng. Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc sinh nở, dây chằng khớp xương cùng và khớp mu của xương chậu sẽ được nới lỏng ra, do đó mà có thể thấy đau ở cả vùng xương chậu chứ không phải chỉ phần hông.

Tử cung ngày càng to ra nên ngoài phần hông ra, thì dây thần kinh tọa cũng sẽ bị chèn ép, dẫn đến hiện tượng đau thần kinh tọa ở cả vùng mông và mặt trong đùi.

Cách khắc phục: Có thể ngâm bồn nước ấm hoặc chườm ấm để làm dịu chỗ đau (chú ý nếu ngâm bồn thì tránh ngâm lâu). Nếu dùng các loại miếng dán giảm đau thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Ngoài ra, có 1 cách có hiệu quả là đứng dựa sát lưng vào tường, phần eo đẩy vào tường rồi hít hơi vào (bài tập vận động nghiêng xương chậu).

Sự thay đổi dịch âm đạo ở mẹ bầu 3 tháng cuối thai kỳ

Giai đoạn này sẽ thấy ra nhiều dịch âm đạo màu trắng, nhầy. Tuy nhiên, nếu thấy đi kèm xuất huyết thì có khả năng là triệu chứng sinh non hay có cơn chuyển dạ.

Cách khắc phục: Ngoài hiện tượng ra nhiều dịch âm đạo hơn, nếu thấy âm hộ bị đỏ, ngứa nhiều, hay màu sắc và hình thái dịch âm đạo khác thường thì hãy khẩn trương đi bác sĩ thăm khám.

Cảm giác bất an, mất ngủ

Ngày sinh càng đến gần, chắc hẳn mẹ bầu thường cảm thấy lo lắng “liệu có mẹ tròn con vuông hay không…”, nhiều khi cảm thấy bất an, bồn chồn.

Cách khắc phục: Cố gắng thư giãn đầu óc, không lo lắng quá nhiều, có thể đi tản bộ, nghe nhạc trước khi ngủ để thư giãn.

Chứng ợ nóng

Tử cung lớn dần gây chèn ép dạ dày, có thể gây nên cảm giác buồn nôn, ợ nóng hay bị ợ hơi.

Cách khắc phục: Hãy giảm bớt lượng ăn trong 1 bữa, chia ra nhiều bữa nhỏ. Sau khi ăn xong thì đừng nằm ngay xuống.

Các dấu hiệu chuyển dạ

  • Ra máu báo: Nếu thấy có máu ở vùng kín trong 3 tháng cuối là dấu hiệu báo sắp tới ngày sinh. Mẹ bầu nên đi khám để kiểm tra ngay khi xuất hiện máu báo.
  • Rỉ ối: Nước ối sẽ trong suốt, không màu, không mùi. Mẹ có thể dùng giấy quỳ để kiểm tra, nếu đổi sang màu xanh là nước ối, không chuyển màu là nước tiểu.
  • Thai nhi đạp ít: Mẹ có thể kiểm tra bằng cách đếm bé đạp sau mỗi bữa ăn (sáng, trưa, tối), trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Nếu bé đạp 4 lần trở lên trong vòng 30 phút là bình thường.

Cách khắc phục

Nếu thấy bé đạp ít hơn 4 lần trong thời gian như trên, mẹ hãy đếm tiếp cho đến khi đủ 4 tiếng đồng hồ. Mẹ có thể tác động giúp bé đạp bằng cách:

  • Thay đổi tư thế.
  • Ăn đồ ngọt và đợi tầm 2-3 phút.
  • Nghe nhạc.
  • Thử ấn vào 1 bên thành bụng xem bé có phản ứng lại không.
  • Uống nước lạnh hoặc 1 cốc sữa lạnh.
  • Sử dụng đèn pin chiếu vào thành bụng.

Nếu bé đạp trên 10 lần trong 4 tiếng đồng hồ là bình thường và tiếp tục kiểm tra trong các bữa ăn tiếp theo. Nếu số lượng đạp ít hơn hoặc có chuyển động yếu ớt, mẹ cần đi khám ngay nhé!

  • Xuất hiện các cơn gò nhiều: Khi thấy cơn gò dài hơn 2 phút với tần suất ngày càng nhiều thì mẹ hãy đến bệnh viện để được thăm khám ngay.

Mẹ bầu nên làm gì vào giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ

Thực hiện những xét nghiệm quan trọng

Ngoài sự phát triển của thai nhi, những điều cần biết khi mang thai 3 tháng cuối cũng không thể thiếu tầm quan trọng của các buổi khám thai.

Các buổi khám thai trong 3 tháng cuối nhằm đảm bảo sự phát triển của thai nhi và sức khỏe bà bầu không có gì khác thường. Ngoài những thủ tục thăm khám thông thường như đo huyết áp, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, mẹ bầu cũng được siêu âm để kiểm tra xem có bất thường về nhau thai, nước ối, hay vị trí của thai nhi…

Nếu có điều gì “không đúng”, bác sĩ có thể tư vấn bầu chọn cách ứng phó an toàn và phù hợp. Chẳng hạn nếu ngôi thai nghịch, bác sĩ có thể đề nghị mẹ nên sinh mổ, hoặc tiến hành đưa thai nhi ra ngoài sớm hơn trong trường hợp nhau thai quấn cổ làm bé cưng không thở được…

Thực hiện chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý

Để đảm bảo chế độ ăn hợp lý và đầy đủ dưỡng chất, mẹ bầu cần được cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm chính trong bữa ăn mỗi ngày, gồm: chất đạm, chất béo, vitamin (A, D, E, C, các vitamin nhóm B…) và khoáng chất (sắt, acid folic, canxi, kẽm, iot…), chất xơ. Ngoài ra, các axit béo omega-3 và choline cũng cần được tăng cường cho bộ não và hệ thần kinh của bé trong giai đoạn phát triển đặc biệt này. 

Do đó, mẹ bầu nên bổ sung dầu thực vật khi chế biến món ăn hàng ngày, có thể dùng dầu mè, dầu oliu, dầu hướng dương… Tăng cường Vitamin C cũng sẽ giúp hấp thụ sắt, canxi tốt hơn. Việc thiếu Vitamin C dễ gây nguy cơ sinh non cho bà bầu. Để giảm chứng khó tiêu, táo bón, ợ nóng… mà nhiều mẹ phải trải qua khi thai nhi ngày càng lớn, gây tác động lên bàng quang, vùng chậu…, mẹ bầu nên bổ sung nhiều chất xơ từ rau, củ, quả… hạn chế các thực phẩm gây khó tiêu.

Nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý

Bên cạnh một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, mẹ bầu cũng nên chú ý hạn chế các công việc đòi hỏi phải gắng sức, nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, giúp tinh thần và thể chất thư thái, nhẹ nhàng. Mẹ cũng nên tập thể dục vừa sức dù sự gia tăng về cân nặng trong 3 tháng cuối khiến mẹ bầu trở nên “nặng nề” hơn và tất nhiên, cảm giác lười biếng khi nghĩ đến những bài tập thể dục là điều không thể tránh khỏi. 

Nhưng hãy nghĩ đến những lợi ích của việc tập thể dục khi mang thai 3 tháng cuối để có động lực luyện tập. Ngoài tác dụng hạn chế tình trạng tăng cân quá nhiều, ngăn ngừa tiểu đường thai kỳ, việc tập thể dục khi mang thai 3 tháng cuối có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi trong giai đoạn này.

Chuẩn bị đồ dùng cho bé

Chuẩn bị đồ dùng cho bé mới lọt lòng là điều mà mẹ bầu nào cũng thích thú. Tùy theo nhu cầu, điều kiện kinh tế cũng như mức độ “cuồng mua sắm” của mình, số lượng đồ dùng mẹ sắm sửa cho con yêu có thể thay đổi khác nhau. Tuy nhiên, tuyệt đối không thể thiếu 2 món đồ “bất ly thân” với cục cưng sau đây nhé!

  • Quần áo cho bé: Không phải số lượng, chất lượng mới là điều mẹ nên quan tâm hàng đầu khi chọn quần áo cho bé. Mẹ nên chọn quần áo có chất liệu thoáng mát và độ thấm hút tốt. Ưu tiên các loại quần áo buộc dây, nút bấm. Hạn chế quần áo phải chui đầu, cài nút.
  • Bình sữa: Ngay cả những mẹ cho con bú cũng nên chuẩn bị sẵn bình sữa. Mẹ có thể vắt sữa ra và trữ sẵn để cho bé bú. Hơn nữa, trong những ngày đầu tiên sau sinh, khi sữa chưa về kịp, bình sữa cũng sẽ kịp thời “cứu” mẹ ngay. 

Lời kết

Ba tháng cuối cùng là thời điểm vô cùng quan trọng và nhạy cảm nhất trong thai kỳ. Vậy nên việc trang bị những kiến thức về thai kỳ cùng một lối sống lành mạnh và một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho các bà bầu là điều hết sức cần thiết để giúp các mẹ sinh nở thuận lợi. Chúc mẹ bầu “vượt cạn” mẹ tròn con vuông!

4women Clinic được thành lập Bác sỹ Phan Chí Thành, Chánh Văn Phòng TT Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Phòng khám có đội ngũ bác sỹ công tác tại Bệnh viện Phụ sản TW, trình độ chuyên môn cao, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa, vô sinh, y học tình dục và cùng hệ thống máy siêu âm Voluson E10 tối tân, giúp chẩn đoán trước sinh chính xác nhất.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng