Mẹ Bầu

Trong quá trình mang thai, mẹ bầu luôn cần phải cẩn thận trong từng giai đoạn, từng bước phát triển của thai nhi. 3 tháng giữa khi mang thai là thời kỳ thai nhi phát triển vững chắc hơn những tháng trước cũng là giai đoạn mẹ phải đặc biệt chú ý mang đến cho con môi trường phát triển tốt nhất cả về trí não lẫn thể chất. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về những điều bạn cần biết trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ.

giai doan 3 thang giua thai ky
Giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ

Nội dung

Sự thay đổi của mẹ và bé trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ

Đối với mẹ bầu

Thời gian này, vòng bụng mẹ to lên và nặng nề hơn rất nhiều so với giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên. Đây cũng là khoảng thời gian mẹ bầu cảm nhận được sự di chuyển của bé yêu trong bụng.

Giai đoạn mang thai 3 tháng giữa cũng là giai đoạn “dễ thở” nhất của mẹ bầu trong thai kỳ vì hầu hết các hiện tượng khó chịu như ốm nghén, mệt mỏi… đã đi qua và đây cũng là cơ hội để mẹ bầu chăm sóc cho hai mẹ con, cải thiện sức khỏe bù lại những tháng ốm nghén.

Đây cũng là thời điểm tuyệt vời nhất mẹ bầu nên tận dụng để tận hưởng cuộc sống xung quanh và tạo niềm vui cho quá trình mang thai. Bây giờ là lúc bạn có thể thoải mái ăn những gì mình thích và cảm thấy thèm. Hãy thư giãn và tận hưởng nhé!

Đối với thai nhi

Trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, thai nhi sẽ có những sự thay đổi nhanh chóng về trọng lượng và kích thước cơ thể. Cụ thể như chỉ số cân nặng, chiều dài cơ thể trung bình của thai nhi ở tuần thứ 14 thường là 8.7 cm và 43 gam thì đến sau tuần thứ 27 có thể tăng lên thành 36.6 cm và 875 gam. Theo như tính toán trung bình của các chuyên gia, thai nhi trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ mỗi tuần có thể tăng lên khoảng 50 gam trọng lượng cơ thể.

su thay doi cua thai nhii trong giai doan 3 thang giua thai ky
Sự thay đổi của thai nhii trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ

Thêm vào đó trong giai đoạn này, các bộ phận trên cơ thể thai nhi đang dần dần được hoàn thiện về cấu trúc. Đặc biệt vào khoảng tuần thứ 16 của thai kỳ khi bộ phận sinh dục của thai nhi dần phát triển hoàn thiện, việc siêu âm có thể giúp xác định giới tính của thai nhi.

Vào tuần thứ 19, xương hàm và cơ bắp bắt đầu hình thành trên cơ thể của bé. Sang đến tuần thứ 21, tóc, lông mi của bé bắt đầu mọc.

Sang đến tuần thứ 24 là những tuần cuối của giai đoạn giữa thai kỳ, mỡ bắt đầu xuất hiện trên lòng bàn tay và ngón tay và toàn bộ cơ thể. Da bé bắt đầu căng ra hình thành rõ các vân tay vân chân.

Thai nhi đã có thể bắt đầu nghe được âm thanh vào 3 tháng giữa thai kỳ

Trong 3 tháng giữa của thai kỳ, não và hệ thần kinh của thai nhi cũng bắt đầu phát triển rất nhanh, phân chia chức năng riêng biệt của từng vùng với sự phân biệt của các giác quan. Thai nhi đã có thể nhắm, mở mắt, bắt đầu nghe được âm thanh và có cảm giác về mùi vị. Đặc biệt, trong thời gian này, các mẹ cũng đã bắt đầu cảm nhận được các cú máy thai của con.

Những điểm mẹ bầu cần lưu ý khi mang thai 3 tháng giữa thai kỳ

Mẹ bầu cần lưu ý nguy cơ sẩy thai

Ba tháng giữa thai kỳ là giai đoạn an toàn nhất của thai nhi. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là giai đoạn này sự cố sảy thai không thể xảy ra đâu nhé. Những nguyên nhân gây sảy thai trong 3 tháng giữa thai kỳ có thể là do tác động từ bên ngoài ảnh hưởng và những bệnh lý của người mẹ xảy ra trong cơ thể.

Các mẹ bầu cần lưu ý đến các bệnh mãn tính hoặc một số bệnh truyền nhiễm khi mang thai, ngộ độc thực phẩm, dùng thuốc không đúng cách, hay các bất thường ở tử cung, cổ tử cung yếu và hội chứng buồng trứng đa nang… đều có thể nguy ra nguy cơ sảy thai cao.

Mẹ bầu nên đi khám nếu cảm thấy đau bụng, ra huyết âm đạo, để tránh nguy cơ sẩy thai. Nghĩa bất cứ khi nào cảm thấy bất thường, hãy tìm đến bác sĩ để chẩn đoán để có lời khuyên tốt nhất.

Chóng mặt khi mang bầu 3 tháng giữa

Trường hợp này vẫn xảy ra khi bạn mang thai 3 tháng giữa, nhất là khi nằm ngửa. Nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này là do trọng lượng của thai nhi ép lên các tĩnh mạch mang máu khiến phần dưới cơ quay ngược trở lại lên tim. Biến chứng nguy hiểm nhất của chóng mặt sẽ khiến bà bầu bị ngất.

Vì thế, khi có dấu hiệu chóng mặt, khó chịu trong người, bạn nên hạn chế nằm ngửa. Thay vào đó, hãy nằm nghiêng về bên trái, hoặc kê một chiếc gối phía hông.

Khó thở khi mang thai 3 tháng giữa

Vào cuối kỳ tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi ngày càng lớn, sẽ đè ép lên lồng ngực và phổi, khiến bà bầu cảm thấy khó thở. Nếu tình trạng này diễn ra nhiều lần và mẹ bầu liên tục phải thở nhanh, thở gấp thì nên đi khám bác sĩ sớm.

Hở eo cổ tử cung trong 3 tháng giữa thai kỳ

Nguyên nhân hở eo tử cung ở các mẹ bầu thường là do chấn thương hoặc kể đến trường hợp là do nạo phá thai nhiều lần ảnh hưởng đến cổ tử cung của phụ nữ.

Mẹ bầu cần lưu ý rằng trong trường hợp này mẹ bầu sẽ sinh nhanh và không có dấu hiệu báo trước. Mẹ bầu khi đang sinh hoạt bình thường, đột ngột bị vỡ ối và sau vài cơn gò mạnh, thai được sanh ra rất nhanh sau đó. Thai nhi thường rất non tháng khi sanh sớm và sẽ chết sau sanh với tỉ lệ rất cao. Lần thai sau sẽ thường có khuynh hướng bị sẩy sớm hơn lần trước với trọng lượng thai nhỏ hơn.

Các mẹ bầu cần phải đi khám thai sớm hơn ở 3 tháng đầu thai kỳ, cần khai báo rõ bệnh lý để được các bác sĩ tư vấn và cho nhập viện khâu eo tử cung lại nhé.

Mẹ bầu bị thiếu máu

Trong suốt giai đoạn thai kỳ của mình, cơ thể của mẹ bầu cần phải sản xuất nhiều hơn 50% lượng máu lúc bình thường để hỗ trợ tốt cho sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Thiếu máu trong giai đoạn thai kỳ có thể dẫn đến nhiều biến chứng không hay cho mẹ bầu như sinh non, trẻ sinh ra thiếu cân, trẻ chậm phát triển, thiếu máu bẩm sinh hoặc trầm cảm sau sinh đối với các bà mẹ. Nếu các mẹ bầu có biểu hiện hay chóng mặt, hoa mắt thì cần đi khám và xét nghiệm máu để đánh giá lại.

Trọng lượng thai nhi trong 3 tháng giữa thai kỳ

Trong 3 tháng giữa thai kỳ này các mẹ bầu cần đảm bảo tăng được khoảng 4 – 5kg. Nếu tăng cân ít quá thì cần xem lại chế độ ăn có quá kém hay không hoặc thực đơn cho bà bầu có đảm bảo hay không?

Một số bệnh bà bầu hay gặp khi mang thai 3 tháng giữa

Bệnh viêm âm đạo do nấm Candida

Đây là bệnh phổ biến trong thai kỳ. Vì môi trường trong âm đạo thay đổi khiến các loại nấm Candida có cơ hội sinh sôi phát triển. Để phòng bệnh này, bạn nên giữ gìn vệ sinh “vùng kín” thật khô thoáng, tránh ẩm ướt là tốt nhất.

Tiểu đường trong thai kỳ

Vào giai đoạn mang thai tháng thứ 3 này, hormone trong cơ thể bà bầu liên tục ngăn chặn không cho insulin thâm nhập vào cơ thể. Do đó, lượng đường trong máu tăng lên, gây rối loạn các quá trình trao đổi chất dẫn đến tiểu đường thai kỳ.

Các xét nghiệm trong giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ

Việc xét nghiệm khi mang thai, đặc biệt khám thai 3 tháng giữa thai kỳ rất quan trọng. Ngoài việc đảm bảo sự phát triển của bé, sức khỏe của mẹ, bác sĩ sẽ kịp thời phát hiện ra những nguy cơ có hại cho thai kỳ.

Nếu trong tuần thai thứ 11 đến tuần thứ 13, bạn chưa kịp siêu âm tầm soát đo độ mờ da gáy, thì sang thời điểm này, bác sĩ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm Triple test. Đặc biệt, mẹ bầu nên đi khám thai trong tuần thai thứ 22. Bởi việc siêu âm lúc này sẽ khảo sát được các dị tật cho thai nhi như: giãn não thất, tim bẩm sinh, não úng thủy, dị dạng tuyến phổi, chân tay khoèo, sứt môi chẻ vòm, hẹp tá tràng, thoát vị rốn…

Những điều mẹ bầu nên làm vào 3 tháng giữa thai kỳ

Ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng

Dưới đây là 4 nhóm thực phẩm bà bầu nên bổ sung vào cơ thể để cung cấp đủ dưỡng chất cho cả mẹ và thai nhi:

  • Nhóm chất đạm gồm: cá, trứng, các loại thịt đỏ, đậu đỗ…
  • Nhóm chất bột gồm: khoai lang, gạo, ngô, mì…
  • Nhóm chất béo gồm: dầu lạc, vừng, lạc…
  • Nhóm vitamin, khoáng chất, chất xơ: các loại rau xanh đậm, hoa quả trái cây tươi…
an uong khoa hoc day du chat dinh duong
Ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng

Thêm nữa, bà bầu cũng nên bổ sung thêm các chất sắt, canxi, kẽm, vitamin B, vitamin A, D, C, E, beta carotene vào cơ thể. Đặc biệt việc uống đủ nước, tránh bỏ bữa rất quan trọng.

Chăm sóc rạn da thai kỳ đúng cách

Từ tháng thứ 4 trở đi, tình trạng rạn da sẽ bắt đầu xuất hiện ở vùng bụng, vùng mông… Đây là một hiện tượng sinh lý bình thường trong thai kỳ. Cách chống rạn da thai kỳ hữu hiệu lúc này là bạn chăm sóc, massage nhẹ nhàng vùng da bị rạn với tinh dầu dừa hoặc sử dụng một số loại kem chống rạn chuyên cho bà bầu. Lưu ý hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Tích cực vận động nhẹ nhàng giảm đau nhức lưng trong thai kỳ

Đau nhức lưng trong thai kỳ xuất hiện nhiều từ kỳ tam cá nguyệt thứ 2 trở đi. Vì thế, bạn nên tích cực vận động nhẹ nhàng như: đi bộ, đi bơi… Đây là cách thúc đẩy quá trình lưu thông máu, hạn chế đau nhức lưng thai kỳ.

Ngoài ra, để giảm bớt tình trạng đau lưng trong thai kỳ, bạn có thể nằm nghiêng hoặc làm ấm phần lưng bị đau với chăn ấm. Dịch vụ massage cho bà bầu cũng là cách giúp bà bầu giảm đau lưng, giúp thai nhi phát triển toàn diện.

Ngăn ngừa tình trạng táo bón khi mang bầu

Tình trạng bà bầu bị táo bón trong 3 tháng giữa thai kỳ vẫn tiếp diễn. Vì thế, để tránh hiện tượng này, bà bầu nên bổ sung nhiều nước và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin…

Đặc biệt, việc ngồi nhiều cũng khiến bạn dễ bị táo bón. Vì thế, bạn nên đứng lên đi lại khoảng 5-10 phút sau mỗi tiếng làm việc.

Thường xuyên nghe nhạc

Trong giai đoạn mang thai 3 tháng giữa này, bé đã cảm nhận được những tác động từ bên ngoài. Do đó, bạn đừng quên bật những bản nhạc nhẹ nhàng, êm ái để kích thích sự phát triển của con. Đặc biệt với những bà bầu thường xuyên mất ngủ trong thai kỳ, trước khi đi ngủ nên nghe nhạc và uống thêm một cốc sữa pha mật ong sẽ rất tốt.

Lời kết

Hy vọng bài viết sẽ giúp các mẹ bầu bổ sung thêm kiến thức về những điều cần lưu ý cũng như việc chăm sóc bản thân và thai nhi ở giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ một cách tốt nhất, để đảm bảo sức khỏe mẹ lẫn con. Từ đó, có được bước đà hoàn hảo để chuẩn bị cho một cuộc vượt cạn đầy gian nan ở 3 tháng cuối thai kỳ.

4women Clinic được thành lập Bác sỹ Phan Chí Thành, Chánh Văn Phòng TT Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Phòng khám có đội ngũ bác sỹ công tác tại Bệnh viện Phụ sản TW, trình độ chuyên môn cao, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa, vô sinh, y học tình dục và cùng hệ thống máy siêu âm Voluson E10 tối tân, giúp chẩn đoán trước sinh chính xác nhất.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Gửi câu hỏi cho bác sĩ

    Đóng